Các nhà khoa học nghiên cứu quá trình kiến quân đội xây cầu và phát hiện nhiều điểm độc đáo, Story Trender hôm 13/3 đưa tin. Chúng thậm chí còn tính toán sao cho vị trí và độ lớn của cây cầu đạt hiệu quả cao nhất.
Khi gặp khoảng trống trên đường, kiến dẫn đầu sẽ bò chậm lại. Tuy nhiên, những con khác trong đàn vẫn tiếp tục di chuyển và nhanh chóng bò qua nó. Lúc này, con kiến đầu tiên sẽ dừng hẳn lại. Con thứ hai cũng trải qua quá trình tương tự, giảm tốc độ rồi đứng yên để con tiếp theo bò qua. Quá trình này lặp đi lặp lại, dần dần tạo nên kiến trúc giống một cây cầu.
Trong những thử nghiệm ở Panama, Simon Garnier, giám đốc Phòng thí nghiệm Swarm thuộc Đại học Công nghệ New Jersey, cùng hai cộng sự Chris Reid và Matthew Lutz cũng tìm hiểu cách đàn kiến chọn vị trí xây cầu.
Họ dùng một vật dụng hình chữ V và cho đàn kiến đi qua. Chúng không muốn phải đi vòng đến cuối đường nên lựa chọn xây cầu gần góc nhọn. Tiếp theo, đàn kiến cần tính toán xem độ lớn phù hợp của chiếc cầu là bao nhiêu. Chúng không muốn quá nhiều cá thể phải làm cầu nhưng cũng muốn đường đi trở nên ngắn nhất có thể.
Năm 2015, Garnier và các đồng nghiệp đánh giá, khoảng 20% số kiến trong đàn có thể được dùng làm cầu. Kiến có thể tính toán số lần mình bị những con kiến khác bò qua, từ đó đoán độ lớn của cây cầu. Đến một ngưỡng nhất định, khi thấy quá nhiều kiến trong đàn đang làm cầu, nó sẽ tách ra để tiếp tục hành trình.
"Có nhiều tài liệu đã miêu tả các kiến trúc do những con kiến này xây dựng. Điểm độc đáo trong nghiên cứu của chúng tôi là tạo ra những dụng cụ thí nghiệm có thể mang đến rừng nhiệt đới để kiểm soát điều kiện mà đàn kiến xây cầu", Garnier cho biết.
"Chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng kỹ sư. Nhiều chuyên gia cũng đang nghiên cứu sử dụng các phát hiện của chúng tôi để thiết kế những robot tự lắp ráp với nhiều ứng dụng khác nhau", ông bổ sung.
Thu Thảo