Ngày xưa, khi mới bước chân lên thủ đô tôi thường bị các anh, chị, ông bà trên Hà Nội trêu là "dân cầu tõm" hay "dân 9 củ thành 10". Ban đầu tôi không hiểu lắm nhưng sau khi tìm hiểu tôi mới biết đó là câu nói trêu trọc cách thức đi vệ sinh của dân Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Rất quê! nhưng rất thực. Bởi chỉ nghĩ thôi cũng bao ký ức của tuổi thơ hồn nhiên ùa về.
Với nhiều người có thể không hiểu và mường tượng ra nổi. Nhưng với chúng tôi kể ra đôi khi còn hơi ngại ngùng. Việc vệ sinh, tắm giặt xưa kia rất giản đơn, tắm thì xuống ao vùng vẫy (quê tôi - Nam Định thì nhà nào cũng có ao), giặt giũ hay làm việc gì liên quan đến nước cũng trên chiếc cầu ao thân thương. Việc vệ sinh lại càng đơn giản hơn, bởi chỉ một chiếc cầu bắc qua con mương, bên bờ ao; dăm ba cái cọc cắm xung quanh và một ít cỏ tranh, rơm rạ để kết thành tường chắn, mái che là có một chiếc "nhà vệ sinh" như ý.

Phòng tắm của gia đình.
Việc vệ sinh trên "chiếc cầu" không phải điều gì "đặc biệt" hay "quê" đến mức để mọi người chế diễu. Bởi nó xuất phát hoàn toàn tự nhiên do đặc thù người dân sinh sống ở vùng chiêm trũng nhiều sông ngòi, kênh rạch. Một thời gian sau chiếc "cầu tõm" ấy được thay thế bằng những nhà xí xổm. Từ "xổm" ở đây đúng nghĩa là ngồi xổm và không phân biệt nam nữ. Tuy nhiên, dù hình thức nào người dân thời đó cũng đã ý thức được vấn đề đảm bảo vệ sinh vì có đi "cầu tõm" thì dưới sông ngòi, kênh rạch thường rất nhiều tôm, cua, cá cũng sẽ giải quyết vấn đề còn lại của "rác thải". Hoặc có đi "xổm" thì người dân cũng biết sử dụng tro bếp để phủ lên và sau một thời gian thì đem đi ủ mục và làm phân bón cho ruộng vườn.
Hiện nay, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh những chiếc "cầu tõm", nhà xí xổm cũng dần được thay thế bằng nhà vệ sinh tự hoại ngồi xổm hoặc bệt, hiếm khi nào nhìn thấy những "chiếc cầu tạm" như thủa xưa nữa. Nhưng. ý thức vệ sinh với mọi người vẫn còn rất hạn chế. Đâu đó, nơi công sở, trường học, gia đình...trong nhà vệ sinh vẫn xuất hiện những dòng ghi chú: "cấm tè bậy", "nếu tè đứng nhớ dựng nắp bồn cầu", "nhớ xả nước"...
Trước đây, ở quê, đất rộng các gia đình thường xây nhà vệ sinh ở hẳn một góc vườn (xa nhà ở) để tránh hôi hám. Tuy nhiên, hình thức này hơi bất tiện do đêm hôm phải ra khỏi nhà, trẻ nhỏ thì phải có bố mẹ đi theo, người già thì không phòng tránh được gió rét. Vì vậy, hiện nay ở thành phố hay ở quê hình thức này hầu như không còn. Ở phương Tây khu vực vệ sinh và bếp luôn được quan tâm nhất khi thiết kế, hoàn thiện căn hộ. Chẳng vì thế mà các thiết bị vệ sinh nhập ngoại thường rất đắt đỏ.
Trước khi có nhà, tôi thường ao ước, nếu có mua căn hộ, tôi sẽ chọn căn hộ xây thô để mình có thể tự nên ý tưởng hoàn thiện, mong muốn làm những điều mình ấp ủ về một khu vệ sinh đơn giản, sạch sẽ và ngăn lắp. Tuy nhiên, mới đây vợ chồng tôi giành giụm và vay mượn nội ngoại mới đủ tiền mua căn hộ tập thể cũ được xây dựng từ những năm 2000 với diện tích gần 50 m2. Tôi vẫn ấp ủ ý tưởng trước kia nhưng không thể làm được do hạn hẹp về kinh tế.
Vợ chồng tôi đã cố gắng tận dụng cọ rửa và sửa chữa một số thiết bị để tiếp tục sử dụng. Nhưng các thiết bị vệ sinh cũ, bám bẩn, mặc dù chăm chỉ vệ sinh, lau chùi các thiết bị đó cũng không thể làm hài lòng người dễ tính nhất. Bởi vì, một phần do chủ cũ không biết cách vệ sinh, một phần do các thiết bị chất lượng kém đã mất lớp men bóng, các thiết bị bị trầy xước và bám gáu cặn canxi, lớp gạch men cũ dễ làm những đứa trẻ bị trơn trượt, ngã.

Nền nhà, thiết bị phòng tắm có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm sử dụng.
Tôi nghĩ rằng khu vực vệ sinh, phòng tắm rất quan trọng trong mỗi căn hộ, bởi nhà tắm không chỉ để tắm mà còn dùng để nghỉ ngơi thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc. Một nhà tắm kiêm vệ sinh cá nhân với đầy đủ công năng, dễ dàng vệ sinh, không hôi hám, không rêu mốc, ấm áp vào mùa đông, thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè... là điều bất cứ ai cũng mong muốn. Tôi mong muốn được xóa đi một phần ký ức về những chiếc "cầu tõm" không đảm bảo vệ sinh. Tôi mong muốn được hội nhập với thế giới, với những sản phẩm tiên tiến phục vụ con người. Tôi cũng mong được dạy con trẻ biết tiết kiệm nước từ những hành động nhỏ như rửa tay, đi vệ sinh hay tắm rửa.
Tôi ước cơ hội được cải tạo lại khu vực vệ sinh hiện tại của gia đình tôi theo phong cách đơn giản nhưng sạch sẽ, tiện lợi và phải tiết kiệm. Là một người ý thức rất rõ trong việc bảo vệ môi trường, tôi luôn hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, hạn chế rác thải và luôn ý thức tiết kiệm nước. Tôi nhận thấy thiết kế của đa số khu vực vệ sinh của các gia đình Việt Nam đều rất tốn nước, ít sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước. Vì vậy, qua chuyên mục "Phòng tắm trong mơ" do báo điện tử VnExpress tổ chức,tôi rất mong muốn có cơ hội được sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước của INAX (thương hiệu chuyên thiết bị phòng tắm của công ty LIXIL Việt Nam) giống như các thiết bị nhà tắm trong các gia đình ở Nhật Bản.
Trần Văn Duy