Chiếc bánh trăng của tác giả Lâm Ngọc Quỳnh Anh gồm 57 bài thơ về những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống: Giếng, cây đào, trăng, quả bưởi, dòng sông, đồng lúa... Với ngôn từ mộc mạc, tập thơ giúp các em nhỏ tìm thấy sự đồng điệu khi đọc về gia đình, chuyến đi chơi hay câu chuyện cổ tích.
Trong tập thơ, cảnh vật được miêu tả qua ánh nhìn hồn nhiên, trong trẻo: "Cái giếng nhà em/ Nước trong như ngọc/ Y như cái thùng/ Đựng đầy nước ngọt/ Bao nhiêu giọt nước/ Từ sông chảy về/ Khi mà giếng cạn/ Chắc nước về quê" (Cái giếng đầu nhà).
Ở thế giới đó, mọi sự vật, hiện tượng đều gần gũi và mang tâm hồn: "Này con tàu Thống Nhất/ Đang rời ga về Vinh/ Điện Hà Nội lung linh/ Chúc tàu đi mạnh khỏe" (Đi tàu đêm), "Vào một ngày mùng một/ Trời làm chiếc bánh trăng/ Mới đầu thật là nhỏ/ Sau cứ to, to dần" (Chiếc bánh trăng).
Từng bài thơ đều có tranh màu minh họa. Trong mỗi trang sách, hình ảnh mây, mặt trời, gió, cành đào tết, con đường làng, Sơn Tinh Thủy Tinh... xuất hiện cùng nét vẽ ngộ nghĩnh của học sĩ Miny Nguyễn và Hau Phan.
Các bài thơ được Lâm Ngọc Quỳnh Anh - sinh năm 1979 - sáng tác từ năm tám đến 15 tuổi, khi còn là học sinh tại Thái Nguyên. Một số bài đoạt giải nhất các kỳ thi học sinh giỏi Văn lớp năm cấp thành phố, tỉnh và quốc gia.
Tác giả nói: "Tuổi thơ của tôi đó, trong Chiếc bánh trăng rực rỡ, tròn đầy và mãi trong trẻo. Bởi tuổi thơ không bao giờ già đi, cũ đi nên tôi tin rằng những câu thơ của lứa tuổi lên tám, lên chín vẫn luôn tươi mới, rực rỡ, tràn đầy niềm vui và tình yêu của trẻ nhỏ". Cô muốn dành tặng cuốn sách cho con và các em nhỏ, những bậc phụ huynh từng đi qua thế giới tuổi thơ.
Lâm Ngọc Quỳnh Anh hiện sống và làm việc tại Hà Nội, viết lách tự do. Cô đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi văn lớp năm toàn quốc năm 1990, giải nhất cuộc thi thơ Tôi yêu đất nước tôi năm 2020.
Thanh Giang