Ngày còn bé, trẻ con chúng tôi mong đến Tết để hy vọng có một điều gì đó thay đổi. Đối với tôi, Tết có một tấm áo mới, được ăn bánh chưng làm hoàn toàn từ gạo, đó là một sự thay đổi đáng mong mỏi nhất.
Cuộc sống quê tôi ngày đó cứ bàng bạc, chậm rãi, Tết đến xuân về cũng không đem lại điều gì lớn lao hơn. Vài năm mới có một cái "Tết nhảy", được gọi là lễ hội chung của bản, mọi người tập trung đông đúc, ấy là vui nhất rồi. Ngày Tết, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, các bà, các chị tranh thủ thêu váy áo để sang xuân bước vào vụ rẫy mới. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn từng ngày. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Vất vả hằn trên đôi vai, trên khuôn mặt tía mạ tôi, sự thiếu thốn lại thấy rõ trong mỗi bữa cơm hằng ngày với canh rau lõng bõng, bát cơm thì sắn chiếm phần nhiều.
Suốt những ngày bé, tôi chỉ có một cái áo ấm duy nhất, mạ tôi gọi nó là "áo lông" bởi ngoài lớp áo bằng vải thô bên ngoài thì bên trong còn một lớp áo lông. Nhưng nó chẳng được mượt mà như áo lông bây giờ vẫn thấy. Lớp lông đó cứng và bết chặt lại giống như bộ lông của con chó cún nghịch ngợm, vừa đi xục xạo một vũng bùn nào đó rồi hong khô dưới nắng. Cái áo màu rêu xám đã cũ lắm rồi bởi nó được truyền lại từ thời mẹ tôi còn trẻ, sau đó đến anh tôi rồi thải lại cho tôi. Nhưng tôi thấy đó là cái áo đẹp nhất, bởi thời ấy tôi chưa thấy cái áo nào khá hơn thế cho đến khi tôi bắt đầu đi học tại trung tâm xã, thì suy nghĩ ấy đã thay đổi.
Ấy là ngày gần Tết khi tôi được nghỉ học, mẹ dắt tôi đến chợ trung tâm và mua cho tôi một chiếc áo len màu đỏ (gọi là chợ nhưng thực là chỉ vài cái quán nhỏ ở khu trung tâm của xã bán đủ thứ từ đồ ăn đến quần áo...). Đó là một cái áo len trẻ em, có đủ các cỡ nhưng mạ lấy cho tôi cái có lẽ là lớn nhất, bởi nó dài và rộng hơn so với người tôi, mạ bảo để sang năm còn mặc được... Nhưng quan trọng là tôi rất thích cái áo đó, một cái áo len thật sự, cổ tròn, rất dày và ấm, màu đỏ tươi, có nhiều hàng hoa văn hình sóng nước, hình cây thông ngang thân và tay áo.
Tôi tự khẳng định rằng "áo đẹp nhất chắc cũng chỉ thế này!". Tôi thích tới nỗi, trên đường về tôi chỉ nghĩ đến chiếc áo, mà quên cả việc mình đang phải đi trên quãng đường gần 3km ướt nhẹp sình lầy dưới trời mưa rét để trở về nhà. Còn cách mấy ngày nữa mới đến Tết nên tôi vẫn để giành chưa muốn mặc vội, sợ làm bẩn cái áo đẹp. Mỗi ngày vài lần tôi lại giở ra ngắm rồi mỉm cười mãn nguyện.
Sáng 30 Tết, trời rét và buốt, tôi vẫn cố dạy thật sớm, quyết tâm chỉ mặc nguyên cái áo len mới mà không chịu khoác thêm cái áo lông mạ đưa cho. Rét, tôi cũng kệ, miễn là khoe được cái áo đẹp. Mạ đưa cho tôi cái khăn len vuông vuông đủ màu sắc mạ vẫn hay đội lên đầu, tôi thích chí quàng vào cổ, khoác thêm chiếc bánh chưng nhỏ xíu bên hông rồi chạy ù đi rủ mấy đứa cùng xóm đi xem Tết nhảy. Tôi tự nhủ, trông tôi lúc đó chắc rực rỡ như một bông hoa mười giờ anh tôi mang về năm ngoái nâng niu trồng trên mấy cái hộp bằng nhựa cứ gần trưa lại nở bung. Tôi thấy nó đẹp lạ, đẹp hơn cả những giò phong lan nở trăng trắng, tim tím bám trên cây cổ thụ tôi vẫn nhìn thấy từ ngày còn bé xíu. Nghĩ vậy nên tôi nhất định phải khoe với con Mải, đứa bạn thân cách nhà tôi một quả đồi nhỏ.
Đến ngõ, vừa nhìn thấy tôi, nó đã reo lên sung sướng rồi khen nào áo mới, nào là áo đẹp khiến tôi chưa kịp khoe thì đã vui nức nở rồi. Hai đứa cứ tíu tít, tôi huyên thuyên kể chuyện cùng mẹ đi sắm áo, rồi để giành diện tết như thế nào, nó cười tít mắt. Nhìn thấy nó quàng cái khăn lạ hoắc, tôi bảo nó tháo ra cho tôi xem, hóa ra là một cái áo mỏng, đã cũ. Tôi bỗng chột dạ như hiểu ra một điều gì đó. Mải vui với cái áo mới của mình mà tôi quên mất để ý đến đứa bạn.
Đứng cạnh tôi với cái áo len đỏ rực trông nó lúc này cũ rích trong cái áo bông bạc màu chắp vá nhiều chỗ, tóc thì rối bù, mặt còn lấm lem bụi than, chắc là vừa từ bếp ra. Nó bảo, nó không cần áo mới diện tết, tiền phải để giành cho mạ nó chữa bệnh, nó cũng không cần khăn, chỉ cần dùng cái "khăn áo" thế này cũng đủ ấm rồi. Nói vậy, nhưng tôi biết nó cũng buồn, tôi thương nó quá, bỗng chốc niềm vui của tôi cũng bay vút sang bên kia núi mất rồi. Suốt mấy ngày Tết, tôi chỉ khoác cái áo cũ bên ngoài để che đi cái áo len mới. Tôi với cái Mải ngày nào cũng kè kè đi cùng nhau, đợi tới chiều mùng bốn tết để nhặt quả sấu may mắn.
Năm sau làng tôi làng tôi có điện lưới, con đường đất ngày nào được thay thế bởi đường cấp phối dải đá, không còn những vũng bùn lầy lội khi mưa về. Cuộc sống mỗi nhà khá dần lên, tết cũng trở nên sung túc hơn, trẻ con có áo mới, người lớn thêm tiếng cười. Nhiều năm sau nghĩ lại, Mải vẫn trêu tôi: "Nhờ cái áo len đỏ của mày đem may mắn cho cả bản đấy!". Còn tôi lại nói, chắc tại năm đó chúng tôi nhặt được nhiều quả may mắn.
Xuân Tết đang về, những ký ức thuở bé thơ lại tràn về ủ đầy trong trí nhớ. Chiếc áo len đỏ ngày nào với tôi như một dấu mốc cho sự chuyển giao đặc biệt của quê hương, gia đình và trong chính bản thân tôi.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Tặng Thị Đào