Tôi được sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo với đồng lương ít ỏi, nhưng bố mẹ tôi vẫn cố gắng lo cho 3 anh em tôi học hành đến nơi đến chốn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi là con gái, đã học đến lớp 8 mà vẫn phải thường xuyên mặc thừa những chiếc áo sơ mi cũ của anh trai. Qua những giờ học nữ công ở trường tôi bắt đầu thích may vá, không có tiền mua vải nên tôi đã tận dụng những chiếc áo sờn cũ của bố mẹ để tháo ra xem rồi tự tay cắt sửa nhỏ lại cho tôi và đứa em trai út mặc thử. Nhà không có máy may nên tôi phải tỉ mẩn may tay từng mũi kim thật khéo để hoàn chỉnh từng cái áo sơ mi. Được bố mẹ và mọi người động viên, khen ngợi nên tôi rất vui.
Mẹ thấy tôi quá ham mê may vá nên ráng vay mượn tiền bạc mua cho tôi cái máy may hiệu 3 con bướm của Trung Quốc. Thế là ngoài giờ học, lúc rảnh rỗi tôi dành toàn bộ thời gian để tập tành may vá. Hè năm 1986, sau khi thi đậu vào cấp 3 tôi được 1 người quen của gia đình dạy may áo sơ mi nam căn bản, chỉ sau 1 tháng tôi đã may được áo sơ mi cho bố và anh trai. Thấy mẹ phải đôn đáo mượn áo dài của bạn để mặc đi dự hội nghị, tôi luôn tự nhủ một ngày nào đó tôi sẽ học và may bằng được chiếc áo dài cho mẹ và cho tôi. Ấp ủ ước mơ đó nên tôi quyết tâm để dành tiền mua 1 bộ áo dài rẻ tiền gọi là xoa lông vịt cùng 1 cuốn sách dạy cắt may của bà Triệu Thị Chơi. Tôi hì hục vẽ, cắt, may… sửa tới sửa lui cũng thành hình chiếc áo dài, đó là chiếc áo dài đầu tiên của tôi năm 17 tuổi.
Suốt 3 năm học cấp III và 2 năm học Trung cấp kinh tế là khoảng thời gian tôi vừa học văn hóa, vừa mua sách tự học cắt may các kiểu quần áo cho bạn bè, lối xóm để có tiền phụ giúp bố mẹ và tự trang trải việc học hành. Đồng tiền do chính tay mình làm ra tuy ít ỏi nhưng tôi cảm thấy thật sung sướng và tự hào. Học xong lớp trung cấp kế toán tôi chưa xin đi làm mà ở nhà chăm sóc bố. Bố tôi bị bệnh ung thư đại tràng nên phải nghỉ hưu trước tuổi, gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Tôi đành phải ở nhà vừa làm thợ may vừa dạy may và chăm sóc bố cho mẹ và anh, em yên tâm đi làm việc.
Dù đã tự sống được bằng nghề may, nhưng vì đam mê áo dài nên tôi lại xin mẹ cho đi học may áo dài. Cô giáo dạy may thấy hoàn ảnh gia đình tôi khó khăn đã đồng ý dạy tôi với giá 1 chỉ vàng (năm 1991) nhưng cho thiếu nợ, khi nào có trả cho cô cũng được. Do tự mày mò từ trước nên khi có công thức cụ thể tôi tiếp thu rất nhanh và chỉ 1 tháng sau tôi đã cắt may thành thạo. Cô thấy tôi may đẹp lại siêng năng nên bảo tôi làm thợ ráp áo cho cô. Chỉ trong vòng 2 tháng số tiền công ấy đã đủ cho tôi mua 1 chỉ vàng trả tiền học phí.
Làm thợ may được 5 năm, do thấy sức khỏe của bố dần hồi phục nên tôi xin đi làm kế toán cho 1 doanh nghiệp nhà nước, buổi tối và ngày nghỉ tôi vẫn nhận may quần áo cho khách. Năm 1997 khi các cơ quan, ban ngành mặc áo dài trong những dịp hội họp quan trọng, giáo viên và học sinh 1 số trường cũng bắt đầu mặc đồng phục, nên tôi đã quyết định chuyên may áo dài với suy nghĩ quần áo nào cũng có thể mua sẵn, còn áo dài thì nhất định phải đi may theo số đo riêng của từng người. Nhiều người ngăn cản cho tôi là khùng, dở hơi tự dưng đang đông khách lại chuyển hướng sẽ mất khách. Nghĩ là làm nên tôi chấp nhận thời gian đầu ít khách, để dần tạo cho mình chỗ đứng nhất định trong nghề nghiệp.
Năm 2005, khi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học kinh tế hệ tại chức thì tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn II. Năm 2009, tôi lại bị ung thư nội mạc tử cung, tưởng rằng sức sẽ tàn, lực sẽ kiệt và dang dở niềm đam mê. Nhưng bằng nghị lực, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, tôi đã tốt nghiệp đại học và hai lần chiến thắng ung thư.
Gần 10 năm nay, dù bệnh tật nhưng hàng ngày tôi vẫn tự tin mặc trang phục áo dài để đi làm, về nhà lại trở thành cô thợ may. Tôi may với tất cả đam mê và nhiệt huyết, như thể ngày mai sẽ không còn được cầm kéo cầm kim. Tôi luôn tự hào vì mình đã góp phần nhỏ bé để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và làm đẹp cho xã hội. Nhờ nghề may áo dài mà tôi và gia đình đã thoát nghèo và có điều kiện sống tốt hơn. Tôi luôn tự nhủ rằng không có gì là không thể - dù có khéo tay hay cố gắng như thế nào đi nữa, nhưng nếu không có niềm đam mê và lòng kiên trì thì chẳng bao giờ tôi thành công như ngày hôm nay.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Kim Thư