Ông có mặt ở đây với tư cách khách mời để nghe các vị đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển thành phố mà ông đang là lãnh đạo.
Cánh phóng viên vây lấy ông trong giờ giải lao của phiên họp để phỏng vấn. Trong chia sẻ của mình, vị lãnh đạo TP HCM tự tin khẳng định: “Nếu được Quốc hội thông qua thì các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp tạo đột phá cho thành phố”.
Lý do TP HCM xin Trung ương “cơ chế, chính sách đặc thù” nằm ở chỗ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đang chậm lại. Tăng trưởng bình quân từ mức hai con số trong giai đoạn 1986 đến 2010, đã giảm xuống một con số của giai đoạn 2011-2015 (10,7% xuống 9,6%).
Ảnh hưởng của việc tăng trưởng chậm lại là rất rõ ràng. Nếu như trước đây tốc độ tăng thu ngân sách của thành phố hàng năm khoảng trên dưới 20%, nay chỉ còn 14-16%.
Một siêu đô thị thực sự về quy mô dân số với áp lực khổng lồ lên hạ tầng, bệnh viện, trường học, nguy cơ ngập nước, ô nhiễm môi trường… Và thành phố không chỉ cần chiếc bánh ngân sách to hơn để cải thiện hạ tầng, mà còn đầu tư vào con người, cho việc thu hút nhân tài; cho việc trả lương xứng đáng đội ngũ công chức đang tham gia quản trị nơi mà dân số một quận có thể bằng cả tỉnh khác.
Đây không phải lần đầu tiên Sài Gòn phải khoác một "chiếc áo chật" về cơ chế.
Sau năm 1975, khi tiếng reo vui hòa bình chưa được bao lâu thì người dân thành phố đã phải đối mặt với việc chạy gạo ăn từng bữa, thậm chí là thiếu đói. Tình hình thực sự căng thẳng. Ở bên cạnh vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, nhưng người dân Sài Gòn phải ăn củ sắn, khoai lang, bột mì, hạt bo bo, thứ lương thực mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam để chăn nuôi gia súc.
Những người ngồi ghế lãnh đạo Sài Gòn lúc bấy giờ đứng trước bài toán, hoặc là chấp hành chỉ đạo của Trung ương tiến hành cải tạo, xoá bỏ thị trường tự do, thúc thủ trước lệnh ngăn sông cấm chợ; hoặc phải “phá rào” theo mệnh lệnh từ thực tế cuộc sống của người dân.
Câu chuyện Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt tổ chức “buôn lậu gạo”, để bà Ba Thi đi về đồng bằng sông Cửu Long thu mua gạo trên thị trường, đem về phục vụ đồng bào thành phố, đã trở nên nổi tiếng.
“Làm cách này thì chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó”, bà Ba Thi lo lắng. Ông Võ Văn Kiệt vừa nói vừa cười: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi”.
Cách suy nghĩ vượt qua những lề thói cũ kỹ để lo bữa ăn cho người dân đó đã góp phần tạo nên TP HCM là một trong những mũi đột phá kinh tế của thời kỳ “đêm trước đổi mới”. Từ chỗ “chạy gạo”, bây giờ là lúc Sài Gòn “không xin thêm gạo mà xin cơ chế để nấu nồi cơm to hơn cho mình và cho cả nước".
Dõi theo phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TP HCM, tôi đếm được 25 đại biểu nêu ý kiến. Đa số đồng thuận với sự cần thiết ban hành nghị quyết này, để tạo động lực cho thành phố phát triển.
Như vậy Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong đã phần nào yên tâm. Nhưng tôi cũng nghe một số đại biểu nêu vấn đề, Quốc hội có cơ chế thí điểm cho TP HCM, vậy còn Hà Nội thì sao?
Chính quyền Thủ đô mới đây đã xin Bộ Chính trị cho triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận, và được đồng ý. Chưa rõ mô hình này gồm cơ chế, chính sách cụ thể nào, nhưng tương tự như TP HCM, động thái của Hà Nội cho thấy thành phố này cũng đang tìm kiếm cách thức quản trị mới ở khu vực trung tâm.
Bên cạnh cơ chế đặc thù cho TP HCM, tại kỳ họp lần này, Quốc hội còn xem xét dự án luật về việc xây dựng đặc khu ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) - những nơi được ví như “phòng thí nghiệm" để Việt Nam đưa ra thể chế vượt trội ở tầm thế giới.
Chưa bao giờ mà những câu nói “cơ chế, chính sách đặc thù”, “mô hình thí điểm” vang lên nhiều trên các diễn đàn quan trọng như thời gian gần đây.
Nhìn lại cả chặng đường, những cuộc “phá rào” trong kinh tế trước năm 1986 như khoán ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng; chạy gạo TP HCM; phá giá mua lúa tại An Giang; bỏ tem phiếu, chuyển sang cơ chế một giá ở Long An... đã lần lượt và dồn dập phát ra tín hiệu về việc liên tục dẹp bỏ những rào cản cũ kỹ để mở đường cho đổi mới.
Hơn 30 năm sau, khi mà những động lực của "đổi mới lần một" đã chạm trần, những cơ thể đang lớn như TP HCM, Hà Nội hoặc sẽ lớn như các đặc khu không thể phổng phao thêm nếu chỉ dựa vào nguồn lực cũ, cơ chế cũ.
Việt Nam cần gấp rút "may áo mới" khi mà các tín hiệu cũng đã đến dồn dập.
Võ Văn Thành