Công thức này do T. Harv Eker lập ra. Ông là tác giả của cuốn sách bán rất chạy Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth). Harv Eker cũng là người sáng lập kiêm giám đốc công ty Peak Potential Trainning, một trong những công ty đào tạo – nghiên cứu phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới với nhiều khóa học như Tư duy triệu phú (Millionaire Mind Intensive), Tư duy đột phá của doanh nhân thành công (Guerilla Business Man), Làm chủ tư duy (Master Your Mind)...
Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 cái lọ để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có nhiều tiền để quản lý. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này.
Hãy chia tiền của bạn thành 6 cái lọ hoặc 6 tài khoản ngân hàng, hay còn gọi là 6 quỹ tài chính. Bạn lưu ý, 6 quỹ này hoàn toàn tách biệt với nhau. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ. Việc này cần làm ngay và làm để tạo thành thói quen.
Ảnh: Igrad |
1. Quỹ tự do tài chính = 10%
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Nhiều người có thể về hưu sớm là nhờ họ được tự do tài chính.
Bạn không được tiêu tiền trong quỹ này, tiền của quỹ này chỉ được dùng để đầu tư và tạo ra thu nhập thu động cho bạn. Lập quỹ này cũng giống như bạn nuôi một con ngỗng để nó đẻ trứng vàng cho bạn, vì thế bạn tuyệt đối không được ăn thịt ngỗng (tức là không được tiêu tiền trong quỹ).
2. Tiết kiệm dài hạn = 10%
Quỹ này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Ban đầu, bạn nên chia số tiền 10% tổng thu nhập này thành hai phần bằng nhau cho hai mục đích. Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (có giá trị tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) thì có thể cất riêng khoản này ra và tập trung cho những mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua ôtô, cho con vào đại học.
3. Giáo dục đào tạo = 10%
Bạn dùng quỹ này để phát triển bản thân: tham gia các lớp học, hội thảo, mua sách vở... Bạn nên nhớ, cách đầu tư tốt nhất chính là đầu tư vào học tập. Nếu bạn không phát triển có nghĩa là bạn đang chết.
4. Nhu cầu thiết yếu = 55%
Quỹ này giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống: ăn uống, xăng xe đi lại, điện thoại, các hóa đơn điện nước, quần áo và các chi phí khác.
Nếu bạn không thể sống với 55% thu nhập của mình thì hoặc là bạn cần gia tăng thu nhập hoặc là bạn cần đơn giản cuộc sống, ví dụ thay vì đi taxi, bạn hãy đi xe bus, thay vì đi xe máy tay ga, bạn hãy đi xe số, thay vì ăn hàng thì tự nấu ăn ở nhà với những thực phẩm bình dân.
5. Hưởng thụ = 10%
Hãy dùng quỹ này để chăm sóc bản thân, giúp bạn được hưởng cảm giác của người thành công và giàu có: ví dụ ăn những món sang trọng đắt tiền, đến những nơi bạn chưa từng đến, đi spa, đi nghe hòa nhạc....
Harv Eker khuyến cáo bạn nên tiêu hết tiền của quỹ này ngay khi một tháng kết thúc. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được hưởng một dịch vụ đắt đỏ hơn, muốn đi một chuyến du lịch xa hơn, bạn có thể tiết kiệm quỹ này trong một quý trước khi sử dụng.
6. Giúp đỡ người khác = 5%
Quỹ này dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè..., như một cách thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Sống cũng có nghĩa là sẻ chia, bạn cho đi để nhận lại nhiều hơn.
Hoàng Anh