Khoảng một tháng rời khỏi đó, Seoul vẫn lưu lại trong tôi những hình ảnh tuyệt đẹp. 27 ngày của tuổi 20, một ký ức thật đẹp và vẫn chờ đợi được khơi gợi lại...
Tôi đã mơ về một chuyến đi đến đây từ khi còn là học sinh phổ thông nên phấn đấu hết mình trong hai năm đầu tiên ở trường đại học và chuẩn bị toàn tâm sức gần nửa năm cho chuyến đi. Và hơn những gì tôi tưởng tượng, chuyến đi đã để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm mà sẽ không bao giờ quên được. Dù đã quay trở lại guồng sinh hoạt và học tập, nhưng những hình ảnh của từng con phố, khuôn mặt người bạn, các câu chuyện ở bên kia vẫn cứ ám ảnh tôi. Tôi vẫn biết nên lấy đó làm động lực để nỗ lực cho một ngày gặp lại, nhưng thực sự chia tay Seoul khó khăn như chia tay một người tình...
Tôi bắt đầu từ nhớ những con dốc dài... Có tìm hiểu trước đó thế nào, tôi cũng không tưởng tượng ra là Hàn Quốc lại nhiều đồi núi như thế và nơi chúng tôi ở là khu Sinlim có núi Quan-ak nổi tiếng hiểm trở. Ngay từ hôm đầu tiên đến nhà trọ, chỉ ngồi trên xe thôi, tôi đã có cảm giác nó thật sự dốc. Phải đến những khi tan học về đói bụng, hay đi chơi cả ngày về rất mệt thì tôi phải nói là rất phục những con người ở đây. Rõ ràng, sức khỏe của những con người ở đây phải rất tốt để có thể đi qua đi lại đây hàng ngày. Vậy nên mỗi buổi sáng đi học, tôi lại thấy rất nhiều người lớn tuổi mặc trang phục thể thao, với cây gậy trên tay và đi leo núi.
Khu Sinlim nổi tiếng đông người và nơi chúng tôi ở càng gần trường Seoul nên cũng rất đông sinh viên. Ở đây, thực sự mà nói có rất nhiều phòng hát, cứ cách mấy nhà lại có một điểm. Seoul đất chật người đông, những cửa hàng san sát nhau; khi đêm xuống, cả khu phố sáng rực lên, những biển hiệu rất màu sắc và ngộ nghĩnh, các ngõ ngách nhỏ xíu nhấp nháy dẫn vào quán karaoke, quán ăn sao mà hấp dẫn tôi đến thế... Tôi cũng nhớ gần khu nhà tôi, có rất nhiều siêu thị nhỏ và cứ đến chiều chiều lại có một người đàn ông rao bán rau củ rất nhiệt tình. Nhiều lúc đi ngang qua, tôi sẽ đứng lại, nghe bác ấy mời khách mua hàng, nhìn cách bác ấy nói chuyện với khách rồi khẽ cười, trông thật đáng yêu và ấm áp.
Tôi nhớ ngôi trường đại học quốc gia Seoul rộng đến ngợp người... Trường rộng đến nỗi chúng tôi có hơn những hai tuyến xe bus đi trong trường. Chúng tôi từng rất vất vả vì hôm muộn học thì chuyến xe 5516 lại giở chứng đi đường xa, hiếm khi có ngày đi học sớm thì xe lại đi đường gần. Cách tốt nhất để đi từ nhà đến trường là xe bus của trường, chỉ một điểm lên, một điểm xuống, nhiều ghế ngồi và còn miễn phí. Xe bus của trường Seoul có một màu xanh thẫm đặc trưng của ngôi trường này và mỗi lần ngồi trên nó, tôi lại có cảm giác như mình là một sinh viên trường Seoul thực thụ. Buổi sáng, để có thể lên xe bus, bạn cần phải xếp một hàng dài, thật sự rất dài, cứ khoảng 10 phút có một chuyến xe, và điểu làm tôi thích thú là chú tài xế sẽ chào bạn mỗi khi lên xe và chào tất cả mọi người, từng người một, rồi lại chúc mọi người một ngày tốt lành khi xuống xe, cũng từng người một. Điều đó cho tôi cảm giác rất gần gũi và ấm áp, chứ không phải như suy nghĩ trước đây của tôi về những người Hàn Quốc lạnh lùng.
Tôi đã từng lạc đường ngay trong chính trường Seoul, phải làm sao, những biển chỉ dẫn tòa nhà có ở xung quanh nhưng lại không có chỉ hướng đi cụ thể. Chẳng hạn, tôi học ở tòa nhà 12, thì hiện tại tôi đang lạc ở tòa nhà số 67, 68 gì đấy do chuyến xe bus 5516 kia đi đường khác. Thoạt nhìn, những sinh viên quanh tôi đều đang rất bận rộn, họ đi rất nhanh, không thì sử dụng điện thoại, nghe nhạc... khiến tôi không biết phải tiếp cận hỏi thế nào. Nhưng khi thử dừng một sinh viên đang đi về phía mình lại, hỏi anh ấy đường đến khoa sư phạm ở đâu thì anh ấy chỉ đường rất nhiệt tình. Hay khi đi nhà tắm hơi công cộng, mặc dù lúc đầu tôi rất ngại vì không quen tắm chung với mọi người, nhưng một người bác gái đã động viên chúng tôi, hướng dẫn tận tình. Dù sao đây cũng là một văn hóa rất thú vị, trải nghiệm nó rồi sẽ để lại những kỷ niệm đáng nhớ. Và nhờ vậy, thật sự thì tôi cũng có một kỷ niệm đáng nhớ về nhà tắm hơi ở Hàn Quốc. Giờ thì tôi muốn quay lại đó quá đi thôi.
Những người Hàn Quốc mà tôi nhìn thấy thật sự là những người văn minh và rất có ý thức. Văn hóa xếp hàng của người Hàn Quốc được thể hiện ở mọi nơi, điểm xe bus, cầu thang cuốn tàu điện ngầm hay nhà vệ sinh. Thật sự tôi rất ấn tượng về ý thức của họ. Cầu thang cuốn ở lối vào và lối ra của tàu điện ngầm, vì nó nhỏ và chỉ đủ hai người đứng trên một bậc, nên mọi người sẽ lần lượt xếp hàng và đứng hết về phía bên phải, còn phía bên trái sẽ dành cho những người nào bận rộn, có việc gấp để họ di chuyển nhanh để đi ra. Ở nhà vệ sinh cũng vậy, dù có vội đến đâu thì bạn cũng phải xếp hàng. Không những vậy, nó còn nổi tiếng rất sạch sẽ như nhà vệ sinh của gia đình vậy. Hay trong một quán cà phê, mọi người sẽ gọi món và tự đi lấy đồ uống cho mình, cũng như dọn dẹp, rồi tự trả ly chén lại khu dọn dẹp.
Và, một điều nữa mà tôi mới nhận ra khi ở Hàn Quốc, đó là trang điểm là một cách thể hiện ý thức và tôn trọng người khác. Rất nhiều người, và ngay cả bản thân tôi cũng từng thắc mắc vì sao người Hàn Quốc lại trang điểm nhiều như vậy. Nhưng thực sự, khi ra ngoài đường, nhìn tất cả mọi người đều rất đẹp, thì thực sự con mắt cũng được thoải mái. Và đó là lý do tôi rất thích nhìn ngắm mọi người trên đường phố. Quả thật, thời trang của họ không thể đùa được. Tôi từng đùa rằng, nếu bắt một anh chàng nào đó trên đường phố Seoul đặt trên đường phố Hà Nội, anh ta sẽ dễ trở thành fashionista, còn nếu ở đây, anh ta cũng bình thường như bao người qua đường khác.
Tôi nhớ những món ăn cay đậm đà... Tôi đã từng rất khó khăn để ăn hết một bát canh tương đậu, hay món mỳ đậu kongguksu, nhưng giờ tôi lại thèm được một lần ăn thoải mái đúng vị những thứ đó. Ẩm thực Hàn Quốc là một trong những ẩm thực tuyệt vời mà tôi từng thử, nó có một gu riêng mà không thể nào lẫn được. Món ăn mà tôi thích nhất phải là mì lạnh. Giữa trưa hè nóng, bạn có một bát mì mát lạnh, sợi mì trắng đục, nửa quả trứng luộc, vài thanh dưa chuột và cả đá xay nhỏ, một đĩa thịt nướng ở bên... thực sự là rất sảng khoái. Tôi thích tokbokki nổi tiếng ở Dongdeamun, một nồi to ụ lên đến 4 người ăn, bánh gạo đặc và dai, những sợi mì dài và béo ngậy. Tôi thích cả những thứ đơn giản như mỳ tôm, những bữa ăn trong nhà thờ với lá kim, kim chi và canh rong biển. Những ngày hè oi bức, một ly batbingsoo melon cho tất cả mọi người cùng ăn chung, vừa mát lạnh vừa tình cảm.
Không chỉ có gu ẩm thực riêng biệt, mà cách ăn uống cũng là một cái gu riêng của người Hàn Quốc. Trước hết, rất nhiều món ăn từ mì trộn, cơm trộn đến chè, kem... tất cả đều được ăn theo cách trộn đều lên. Trong một bữa ăn, kiểu gì cũng sẽ có một, hai món mà mọi người sẽ ăn chung với nhau, không chỉ là canh mà có thể hai người cùng gọi một ly kem, một americano và cùng thưởng thức với nhau. Văn hóa trộn đều và cùng ăn trong ăn uống của người Hàn Quốc làm tôi thực sự cảm thấy thú vị.
Và trên hết, tôi nhớ những người bạn Hàn Quốc của mình, từ các cô chú lớn tuổi, đến thầy cô, anh chị và các bạn nhỏ. Chúng tôi chỉ lần đầu gặp gỡ, và cũng không biết đến khi nào có thể gặp lại nhau, nhưng họ luôn dành cho chúng tôi những tình cảm và sự đón tiếp nồng hậu nhất. Điều mà tôi chưa từng nghĩ tới khi còn ở Việt Nam. Bỏ qua những trở ngại về tôn giáo, tôi đón nhận họ bằng chính trái tim và tấm lòng của mình, thực sự, tôi đã nhận được những tình yêu và sự quan tâm quý giá và ấm lòng. Đó cũng là lý do khiến tôi không muốn có sự chia tay và rồi khi quay trở lại Việt Nam học tập. Giờ đây tôi đang phấn đấy để cho một ngày trở lại để gặp lại họ.
Tôi nhớ những cô, chú luôn ân cần với chúng tôi như người cha, người mẹ. Họ đơn giản không chỉ mời đến nhà ăn cơm, đưa đi chơi, mà còn trò chuyện, tâm sự, hết lòng với những chúng tôi. Nhìn cách họ chuẩn bị, tốn thời gian, công sức, tiền bạc giữa bộn bề cuộc sống để chúng tôi được trải nghiệm mà tôi cảm thấy thật ấm ấp. Với những người anh, chị hướng dẫn chúng tôi và cả những em nhỏ, thời gian chẳng được nhiều, nên chúng tôi phải nhanh chóng làm quen và thân thiết với nhau. Nhưng qua từng câu chuyện, dù có khó khăn trong ngôn ngữ, chúng tôi lại gần nhau thêm được chút, và lại xem nhau như anh chị em trong nhà.
Tôi muốn kể câu chuyện khi tôi bị ngất ở bên kia do say nắng, người chị hướng dẫn đã hốt hoảng như thế nào, các bạn tôi bảo rằng, trông lúc ấy, chị ấy còn bần thần hơn cả vẻ mặt của tôi. Tôi được các cô đưa đi bệnh viện kiểm tra, và thực ra cũng không có vấn đề gì quá nghiêm trọng, nhưng tối hôm đấy lại có rất nhiều người nhắn tin hỏi thăm. Sáng hôm sau tôi đi học qua nhà thờ thì lại gặp rất nhiều người nữa và họ lại hỏi han về tình hình sức khỏe. Tôi cũng có một câu chuyện với một cậu em 12 tuổi con của cô giáo hướng dẫn. Chúng tôi chỉ gặp nhau lần đầu khi cùng lên xe đi cắm trại hai ngày ở Namisom, nhưng lại thân thiết với nhau nhanh chóng.
Ba tiếng kể từ khi bắt đầu gặp nhau, cậu nhóc ấy cầm tay và kéo tôi lên phía trước con phà đang di chuyển ra đảo để ngắm nhìn cảnh vật. Chúng tôi luôn đi cùng nhau trong chuyến picnic, high-five khi gặp lại nhau sau này và hỏi thăm nhau nếu như lâu ngày không thấy. Ngày cuối cùng trong party, cậu nhóc tặng tôi một đoạn nhạc piano, chụp ảnh tôi trong máy điện thoại của cậu bé và bảo rằng, khi nào nhớ chị em sẽ nhìn bức ảnh này. Trong bữa tiệc, cậu còn ghé tai tôi và nói “Noona, Saranghea!”. Thực sự, cậu bé đấy đã tạo nên một Hàn Quốc lãng mạn trong tôi, làm tôi thêm nhớ về đất nước này và mong một ngày gặp lại.
Đúng vậy, một Hàn Quốc lãng mạn đã đón chào tôi như một bộ phim mà tôi từng xem. Bây giờ ngồi nghĩ lại, những khung hình ấy cứ lần lượt chạy qua như những thước phim quay chậm. Ngay khi còn ở bên kia, có lúc đi qua những con đường, khu phố, tôi cảm giác như mình đang nắm tay hẹn hò cùng một anh chàng nào đó. Chẳng hạn như khi đạp xe ở công viên sông Hàn, chúng tôi sẽ dừng ở một lối rẽ nhỏ ra bờ sông, đứng ở giữa đám cỏ mọc cao đến nửa người ngắm nhìn mặt trời vàng ruộm đang dần dần lặn, chờ đợi một con tàu điện ngầm sẽ đi qua trên cây cầu trước mặt. Rồi khi màn đêm buông xuống, đi dạo qua khu phố Hongdae đông người, với những cửa hàng xinh đẹp, những thanh niên đang ríu rít gọi nhau, tụ tập, thỉnh thoảng lại bắt gặp một vài cậu thanh niên đánh piano và hát.
Tôi có cảm giác như mình đang cầm tay một anh chàng nào nó, cùng đi và nhìn ngắm phố phường đông đúc, cùng nghe một bản nhạc No one else của Lee Seung Chul. Bất chợt, rồi chúng tôi cũng sẽ đến Đại học Hongik ở gần đó, cùng nhau hẹn hò trong trường học, đi dạo giữa những tán cây dày, ngôi trường về đêm chẳng còn mấy ai. Chúng tôi sẽ cầm tay nhau đi quanh sân vận động và ngồi trên bậc thang trò chuyện. Hay đơn giản thôi, lãng mạn chỉ là khi cùng nhau đi trên tàu điện ngầm, bất chợt con tàu đi ra khỏi lòng đất, đi trên đường ray trên cao, chạy qua những tán cây, khu phố ở phía dưới. Rồi dần con tàu sẽ chạy qua cây cầu mà tôi từng ngắm khi đứng ở công viên sông Hàn, ánh nắng từ bên ngoài chiếu rọi qua lớp cửa kính chiếu vào và làm ấm lên bầu không khí toa tàu vắng dù bên trong điều hòa rất lạnh. Bất chợt, chúng tôi quay lưng lại phía sau, ánh nắng ấy giờ đã chiếu xuống con sông rộng lớn bên dưới, ánh bạc lấp lánh trải dài đến bãi cỏ phía xa xa. Bước ra khỏi ga tàu điện ngầm, một không khí nóng hừng hực ập tới, chúng tôi sẽ hẹn hò ở sân vận động Jamsil và cổ vũ cho câu lạc bộ Doosan. Chúng tôi cùng mặc áo bóng chày, ăn gà rán, uống bia trên khán đài và hòa mình vào một không khí cổ động tuyệt vời với những bài hát dành riêng cho từng cầu thủ khi họ ra sân...
Như vậy đấy, nhưng vẫn còn nhiều lắm, những con đường đầy hoa mà tôi muốn tả lại, món ăn mà tôi một lần nữa muốn ăn thử cùng bạn, nhiều khuôn mặt mà tôi rất nhớ và muốn gặp lại... Và rồi, tôi cảm thấy chia tay Seoul khó khăn như chia tay một người tình. Dù thời gian ở bên nhau không lâu, nhưng lại để lại trong nhau quá nhiều kỷ niệm. Với Seoul, con sông Hàn vẫn thế, những bông hoa rồi đến mùa nó vẫn lại cứ nở một cách đầy kiêu hãnh và xinh đẹp, những món ăn vẫn cứ cay như vốn dĩ. Nhưng với người rời xa Seoul thì lại mong mỏi một lần được quay lại, để được đắm mình trong không khí của thành phố, được nghe tiếng Hàn luôn thường trực bên tai, được nhìn những nụ cười, được nắm tay những người bạn của mình...
Thỉnh thoảng, nỗi nhớ lại trào trực lên trong tôi, dù biết tốt nhất là nên biến nó thành hành động, nhưng thật khó để cảm xúc mình khỏi ngợp trong những nhớ mong. Tôi đã đi và về, giờ lại cố gắng để có thể quay lại một lần nữa sau hai năm đại học còn lại của mình. Giống như khi yêu, người ta có một thời gian xa nhau, để nhớ nhau và thử thách tình cảm. Hai năm, liệu nó có quá lâu, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ ổn và đủ mạnh mẽ để biến nhớ nhung thành động lực.
Bởi thật sự bây giờ, đối với tôi, chia tay Seoul khó khăn như chia tay một người tình...
Cuộc thi 'Hàn Quốc hành trình kỷ niệm' do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Tổng cục Dua lịch Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, bắt đầu từ ngày 1/7 đến 31/8. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Bùi Mỹ Hằng