Phát biểu được ông Phạm Quang Vinh, cựu trưởng nhóm các quan chức cấp cao của Việt Nam trong ASEAN (SOM), đưa ra khi trả lời câu hỏi của VnExpress về khuyến nghị với hợp tác của các nước và đối tác, bên lề Diễn đàn "Gắn kết hợp tác tiểu vùng Mekong với các mục tiêu của ASEAN" ngày 14/7 tại Hà Nội.
Theo ông Vinh, hợp tác hiện nay giữa các nước ở hạ lưu sông Mekong và Trung Quốc về sử dụng nguồn nước, trong đó có các đập thuỷ điện chủ yếu dựa trên sự tự nguyện và chưa đầy đủ. Do đó, các nước cần đề ra cơ chế thường kỳ, theo mùa mưa và mùa khô, nêu ra các chuẩn mực trong sử dụng bền vững nguồn nước.
Ông cũng cho rằng các nước hạ lưu sông Mekong cần coi an ninh nguồn nước là ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hợp tác khu vực. Vấn đề an ninh nguồn nước được thể hiện rõ nhất ở tiểu vùng Mekong, khi các nước ở hạ nguồn gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, trao đổi về sử dụng bền vững nguồn nước của dòng sông này với Trung Quốc, nước ở thượng nguồn.
Giữa năm 2019, các nước hạ lưu sông Mekong trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, khiến mực nước hạ xuống mức thấp kỷ lục trong ít nhất 60 năm qua. Các nghiên cứu gần đây của Ủy hội Sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ của 4 nước ASEAN (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan), cho thấy tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hạn hán ở hạ nguồn sông Mekong đã gia tăng trong vài thập kỷ trở lại đây. Theo MRC, vào tháng 7/2019, khu vực Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan ghi nhận mực nước sông 2,1 m, thấp hơn mức trung bình cùng kỳ trong suốt gần 6 thập kỷ qua 3,2 m và dưới mức nước tối thiểu từng đo được 0,75 m.
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, hạn hán nghiêm trọng khiến nông dân ở nhiều tỉnh, được coi là vựa lúa của cả nước, không thể canh tác, hàng trăm nghìn người cũng lâm vào cảnh thiếu nước ngọt dùng cho sinh hoạt. Tình trạng này kéo dài sang năm 2020.
MRC đánh giá bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu gây nên hạn hán, dòng chảy của dòng Mekong yếu do đập thuỷ điện của Trung Quốc giảm lưu lượng xả. Theo Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, Trung Quốc có 11 đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong, trữ 47 tỷ m3 nước. Bắc Kinh được cho là giữ đến 50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô.
Ông Vinh lưu ý các nước ở hạ lưu sông Mekong có hợp tác với hầu hết các đối tác lớn của ASEAN, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia. Do đó, khu vực tiểu vùng Mekong cần phối hợp tốt với các thành viên còn lại của ASEAN để thảo luận các vấn đề chung, trong đó có an ninh nguồn nước.
"Nếu các quốc gia ở Mekong phát triển bền vững, sẽ đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của ASEAN", ông nói.
Đánh giá tầm quan trọng của tiểu vùng Mekong, trong diễn đàn hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết đây là hành lang chiến lược kết nối Đông Nam Á và Nam Á, là cây cầu nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tiểu vùng còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới giao thông của khu vực.
Tuy nhiên, tiểu vùng Mekong đang bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, chịu nhiều tác động của các thiên tai do tự nhiên và con người gây ra.
Ông Dũng cho rằng ASEAN nên tác động nhiều hơn đến sự phát triển của tiểu vùng này thông qua việc tạo ra các nền tảng cho đối thoại thường xuyên, các hành động chung và hợp tác với các đối tác phát triển. Hiệp hội cần duy trì vai trò trung tâm trong các cấu trúc tiểu vùng, tạo ra tầm nhìn cho hợp tác chặt chẽ và rộng lớn hơn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.