Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4. Ông cho biết, đến nay các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số đã tương đối đầy đủ, bao trùm.
Bộ đã hỗ trợ trực tiếp các địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ dịch vụ công hiện đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97%; dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ gần 68%; hồ sơ xử lý trực tuyến là 43%, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia về chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI - Online Service Index), tăng 5 bậc so với năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá đẩy nhanh chuyển đổi số. Đến nay, có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ định kỳ cập nhật và công bố các nền tảng số quốc gia trên Cổng thông tin Chuyển đổi số quốc gia.
Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ do Thủ tướng giao đang khẩn trương hoàn thiện. 45 bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành phân hệ theo dõi tiến độ các nhiệm vụ.
Hệ thống Báo cáo điện tử được nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai và đưa vào vận hành để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương; cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu. Bốn bộ chỉ số điều hành, thống kê, theo dõi giám sát, kinh tế xã hội địa phương từng bước hình thành.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối bốn cấp hành chính và đang tiếp tục được phát triển. Mạng đã kết nối đến tất cả các huyện, gần 97% xã toàn quốc. Trong năm 2022, đã có 117.100 lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng về chuyển đổi số.
Thời gian qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác chính thức. Hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia từng bước được hoàn thành, phát huy hiệu quả. Đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; 8 cơ sở dữ liệu, 12 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu.
Tuy nhiên, nhân lực chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Cán bộ, công chức, viên chức chưa được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng số phục vụ công việc hiệu quả. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm triển khai. Vẫn còn tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Thói quen xử lý công việc trên mạng chưa thực sự phổ biến.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ chuyên trách và toàn bộ công chức, viên chức các cấp chính quyền về chuyển đổi số. Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành Đề án tăng cường, nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực thi chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương. Các cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi sẽ được hoàn thiện, tăng cường kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Phong
Về xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 99 triệu nhân khẩu được thu thập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt hơn 99%.
Đồng thời, Bộ Công an đã thu thập được hơn 50 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân, trong đó nhân khẩu thường trú nhận được hơn 49 triệu hồ sơ; nhân khẩu tạm trú hơn 880.000 hồ sơ; tổng số hồ sơ các địa phương chuyển lên Trung ương gần 35 triệu. Đã có gần 23 triệu hồ sơ được phê duyệt và trả hơn 13 triệu thẻ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hiện có hơn 1,4 triệu doanh nghiệp tham gia, được kết nối, chia sẻ cho 10 bộ ngành.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang tích cực thu thập dữ liệu để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Hiện dữ liệu do Bảo hiểm Việt Nam quản lý gồm gần 32 triệu hộ gia đình, 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, gần 84 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Ở trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đã vận hành bốn khối dữ liệu là thống kê, kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; điều tra cơ bản về đất đai. Các địa phương đã đầu tư hạ tầng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), đưa vào sử dụng, phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ giữa các bộ ngành, địa phương. Tổng số giao dịch qua NDXP năm 2022 là hơn 570 triệu, tăng gấp ba lần năm 2021; trung bình hàng ngày có 1,9 triệu giao dịch.
Hiệu quả ban đầu mang lại rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời. Việc này góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp vẫn phải nộp giấy tờ bản giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công, dẫn đến không thúc đẩy. kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số. Dữ liệu còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa liên kết và thống nhất. Người dân, doanh nghiệp phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần, đi lại nhiều nơi khi làm thủ tục hành chính.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực phát triển dữ liệu mở và mở dữ liệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Các đơn vị cần nghiên cứu đề xuất cơ chế, phương án thu phí được từ dữ liệu để tái đầu tư, duy trì dữ liệu "sống"; đề xuất cơ chế, phương án kinh phí để duy trì Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm huyết mạch chia sẻ dữ liệu quốc gia được thông suốt và phát triển bền vững.
Từ năm 2018 đến tháng 9/2022, Facebook gỡ hơn 300 tài khoản giả mạo; hơn 12.600 bài viết sai sự thật; 480 trang (fanpage) quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng; 2.400 link rao bán, quảng cáo sản phẩm bất hợp pháp. Lúc cao điểm chống Covid-19, có hơn 14 tài khoản giả mạo Bộ Y tế và 2.500 bài viết xuyên tạc tình hình chống dịch được gỡ bỏ. Youtube đã gỡ 76.500 video vi phạm; ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 30 kênh Youtube phản động. TikTok đã gỡ bỏ 1.400 link vi phạm.
Hai năm qua, Bộ và các địa phương đã ban hành hơn 590 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội, với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.
Theo chương trình kỳ họp, từ 8h40 ngày 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đăng đàn trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Nội dung chất vấn xoay quanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia.
Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; quản lý thuê bao, đầu số của nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; việc xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân cũng sẽ được Bộ trưởng thông tin đến đại biểu.