Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) đã rút ra như trên, khi tổng kết 10 ngày dập dịch vừa qua, kể từ khi hệ thống giám sát chủ động của thành phố phát hiện ca chỉ điểm tại cụm dịch sân bay Tân Sơn Nhất - "bệnh nhân 1979", ngày 5/2. Từ trường hợp này, 8 nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hóa tại sân bay cùng nhóm và 26 người nhà của nhóm nhân viên được phát hiện dương tính nCoV. Đến nay, chuỗi lây nhiễm này đã dừng lại ở con số 35.
Theo HCDC, để kiểm soát chuỗi lây nhiễm, thành phố áp dụng theo đúng phương châm "truy vết thần tốc, khống chế nhanh" thông qua các biện pháp điều tra, mở rộng phạm vi tiếp xúc và đặc biệt là mở rộng xét nghiệm cả về không gian và thời gian.
Cụ thể, khi nhận thông tin có một số mẫu gộp của nhóm nhân viên bốc xếp nghi nhiễm, dù chưa xác định chính xác cá nhân nhiễm là ai, thành phố đã lập tức truy vết, khoanh vùng tất cả trường hợp liên quan, không để sót bất cứ trường hợp nguy cơ nào. Nhờ đó đã lần ra được một chuỗi lớn ca nhiễm.
"Chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công", đại diện HCDC cho biết.
Xét nghiệm được thực hiện cho nhiều nhóm, gồm nguy cơ cao như F1, mở rộng cho F2, đồng thời lấy mẫu rộng các hộ gia đình xung quanh ở hơn 30 địa điểm phong tỏa liên quan đến các bệnh nhân. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm được trả trong vòng 24 giờ, đáp ứng kịp với tốc độ truy vết, giám sát diện rộng. Khi đã có kết quả xét nghiệm tầm soát diện rộng, đánh giá nguy cơ, các địa điểm phong tỏa sẽ được gỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cùng với xét nghiệm, HCDC xác định phải nhanh chóng tìm ra nguồn lây. Với chuỗi lây nhiễm lần này, bước đầu thành phố đánh giá có khả năng bắt nguồn từ nhóm nhân viên thuộc đội quản lý và đội bốc xếp hàng hóa, hành lý thuộc của công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Do đó, ngành y tế đã lấy mẫu khẩn rà soát lần hai cho toàn bộ nhân viên công ty VIAGS và tất cả thành viên trong gia đình của họ. Tổng cộng 5.400 mẫu được lấy, gồm hơn 1.600 nhân viên và hơn 3.800 người nhà. Trong đó, tìm được thêm ba nhân viên và một người nhà nằm trong chuỗi lây nhiễm 35 ca.
Ngoài ra, thành phố đã thực hiện xét nghiệm cho 1.570 F1, 1.376 F2 và 9.864 trường hợp tại các địa điểm liên quan đến các bệnh nhân. Tất cả đã âm tính, là cơ sở cho thành phố gỡ bỏ phong tỏ các địa điểm không còn nguy cơ. Đồng thời, thành phố tiến hành cách ly tập trung toàn bộ nhóm nguy cơ cao nhất. Đây là cơ sở để bước đầu khẳng định thành phố đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm sau 4 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới.
Mặc dù vậy, TP HCM vẫn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Từ chiều 30 Tết đến hết mùng 3 Tết (tức ngày 11/2 đến 14/2) chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, khu nhà trọ, quanh khu công nghiệp... vẫn được tiếp tục thực hiện. Tổng số 9.480 mẫu, trong đó có 2.939 mẫu là của nhân viên y tế, tất cả đều có kết quả âm tính nCoV.
Chiều qua, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đánh giá cao nỗ lực truy vết, khoanh vùng dập dịch của TP HCM. Theo Bộ trưởng Long, TP HCM đã lấy khoảng 40.000 mẫu xét nghiệm, từ ngày 13/2 đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
"Về cơ bản, chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát tốt. Qua giám sát cộng đồng nhận thấy nguy cơ còn mầm bệnh trong cộng đồng là khá thấp. Chúng ta có thể tạm yên tâm với TP HCM", ông Long nói.
Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu thành phố không chủ quan, tiếp tục triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát những điểm nguy cơ cao.
Thư Anh