Một thập kỷ qua, xuất khẩu dược phẩm của Việt Nam liên tục tăng nhờ tác động của các hiệp định kinh tế CPTPP, EVFTA, WTO, ATIGA, VJEPA... Theo đánh giá của các chuyên gia, bối cảnh cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều thách thức lẫn cơ hội cho các công ty dược trong nước, song không ít doanh nghiệp vẫn tìm ra chìa khóa riêng mở cánh cửa này.
Chẳng hạn, với Dược Hậu Giang, đơn vị này có nhiều sản phẩm được người Việt quan tâm, đồng thời xuất khẩu đến Singapore, Nga, và các nước Đông Nam Á.
Nhiều sản phẩm chủ lực đã góp phần lớn vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho Dược Hậu Giang. Ví dụ như Hapacol với thành phần chính là paracetamol, Telfor có thành phần fexofenadin, AlphaDHG với alpha chymotrypsin, Medlon với thành phần methylprednisolon, Glirit với 2 thành phần metformin và glibenclamid, DilodinDHG với 2 chiết xuất diosmin và hesperidin...
Đại diện Dược Hậu Giang đánh giá, FTAs mang đến thách thức lớn cho các công ty dược trong nước, tuy nhiên đã tạo cơ hội cho người dân Việt Nam tiếp cận và sử dụng các sản phẩm chất lượng tốt. Japan-GMP được xem là "chìa khóa" của Dược Hậu Giang khi đối mặt với thách thức, tìm kiếm cơ hội từ FTAs.
Hiện, doanh nghiệp nắm trong tay đội ngũ chuyên gia hàng đầu về Japan-GMP và phát triển thị trường quốc tế, cùng với gần 300 kỹ thuật viên nội bộ, giàu kinh nghiệm về cách thức vận hành dây chuyền Japan-GMP. Dược Hậu Giang có 2 dây chuyền sản xuất viên nén và viên nén bao phim đạt tiêu chuẩn Japan-GMP.
Lê Nguyễn