Đánh giá về "Quy trình xử lý của Nhà máy nước sạch Sông Đà", nhiều độc giả VnExpress chỉ ra những điểm bất cập cần được khắc phục ngay để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt:
Cái sai trầm trọng của hệ thống này là đơn tuyến. Chỉ cần một công đoạn hỏng là cả tuyến bị hỏng. Cách khắc phục: Chia hồ Đầm Bài hay xây hồ mới sao cho có 3 hồ độc lập, để kiểm tra nước đầu vào trước khi chuyển sang công đoạn tiếp theo. Phần xử lý nước cũng vậy, nước sau xử lý ít nhất cũng phải có 2-3 bể để kiểm tra trước khi mở van cấp cho thành phố. Tuyến nước về Hà Nội cũng vậy, phải có 3 ống, độc lập nhau. Cuối cùng là mạng nước của thành phố phải làm được nhiệm vụ điều phối sao cho một nơi bị hỏng thì ảnh hưởng ít đến phần còn lại. Cuối cùng là hệ thống đảm bảo chất lượng phải có khả năng chống chịu mọi loại tấn công.
Theo tôi phải tăng dung tích hồ chứa sơ Đầm Bài để có nhiều thời gian hơn cho việc lắng cặn sơ cũng như có nhiều thời gian để phát hiện ô nhiễm. Theo như chu trình thì phải sau 42 giờ từ lúc nước đầu vào hệ thống xử lý thì mới có nước đầu ra, chưa kể nước lưu trong bể chứa.
Thực tế từ lúc phát hiện ra việc đổ thải 8/10 mà ngày 10/10 nước bẩn đã về đến hộ dân thì thực tế là nước vào hồ không có thời gian lắng sơ đã được bơm vào khu xử lý rồi. Tăng dung tích hồ lắng sơ là giải pháp dự phòng tốt nhất
1. Bất kỳ nhà máy nước nào cũng được xây dựng và vận hành theo kiểu nhiều đơn nguyên, số lượng bể lắng, bể lọc (linh hồn của công trình xử lý nước) bao giờ cũng nhiều hơn 1. Nên có sự cố thì trong nhà máy thì vẫn có thể tạm dừng một vài bể và vẫn phát nước song song được.
2. Vụ này xảy ra tôi nghĩ hoàn toàn là do lỗi của Nhà máy nước, vì vận hành hoàn toàn có thể nhận ra được việc bị ô nhiễm mùi của chất styren nhưng vẫn phát nước.
3. Việc các tuyến ống nước sạch dẫn về thành phố trong thiết kế đã được tính toán nhằm đảm bảo cỡ ống, áp lực cấp nước và cả hướng tuyến phù hợp với nhu cầu mỗi vùng, không thể cứ thích đâu mà xây đó.
4. Việc điều phối các đường ống cấp nước là đúng, bất kỳ quốc gia tiên tiến nào cũng đều có nhưng ở Việt Nam thì chưa. Lý do là vì chi phí cho việc hệ thống lại mạng lưới cấp nước cực lớn. Sài Gòn có kế hoạch chủ trương 15 năm nay vẫn chưa làm được. Cái dở nữa là mạng lưới cấp nước do nhiều doanh nghiệp quản lý, vì đi kèm với nó là hệ thống van, đồng hồ, kiểm soát lưu lượng...
Quy trình rất nhiều công đoạn nhưng vẫn thiếu những điều sau: Thứ nhất, bể chứa ban đầu phải được xây dựng, chứ không phải hồ nước tự nhiên dễ ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan. Thứ hai, trước khi đến bể chứa trung gian, phải đươc lấy mẫu kiểm tra phân tích chất lượng nước. Thứ ba, người dân muốn thấy những hình ảnh trực tiếp từ nhà máy nước sông Đà.
Xây 1-2 đường kè chia hồ Đầm Bài ra làm 2-3 khoang, bơm nước từ sông Đà vào từng khoang một, có khâu kiểm tra nguồn. Nước ở từng khoang riêng khi đưa nước vào bể xử lý cũng bơm từng khoang một, nếu có sự cố như vừa rồi thì cũng không bị hết cả hồ, có đủ thời gian để xử lý khoang bị ô nhiễm trong khi vẫn còn nước ở các khoang khác để tạo nước sạch.
Tôi thấy:
1. Các đầu hút của ống bơm phải đặt ở mức thấp hơn mặt nước (dùng phao, kỹ thuật khác chứ không dùng lưới mới căng để ngăn dầu như mới làm) sao cho không hút nước mặt: dù có dầu, chất bẩn nổi sẽ không bị hút vào máy bơm.
2. Với sơ đồ nguồn nước thế này thì chắc chắn không thể dùng nguồn gần các sông suối nhỏ vì tình trạng đất đai chật hẹp, người dân, doanh nghiệp thiếu ý thức và xả thải bừa bãi. Do đó, nếu không có nguồn nước ngầm thì phải dùng nước từ mặt sông lớn, hút dưới tầng nước mặt như trên nêu tránh khi mặt sông lớn cũng bất ngờ bị nhiễm chất bẩn nổi như dầu mỡ....
Đồng thời, bể chứa trung gian lắng đọng cũng phải được xây dựng sạch sẽ và ngăn cách với môi trường xung quanh chứ không thể dùng một đầm nước như hiện nay vì dễ bị nhiễm bẩn xung quanh, do mưa, ô nhiễm... Hiện nay các loại bêtông, các vải công nghiệp lót hồ, mương máng cũng không đắt và sử dụng hàng trăm năm. Đến mương máng dẫn nước tưới tiêu còn lót lòng mương thì sao hồ chứa nước lọc cho dân ăn uống mà không lót như mương máng?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.