Buổi trưa giữa tháng 3 trời Sài Gòn nắng gắt, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi), người mua được thùng loa cũ và phát hiện có hơn 5 triệu yen (hơn một tỷ đồng) ở bên trong vào một năm trước, nhễ nhại mồ hôi đẩy chiếc xe chất đầy bao hàng ve chai vào nhà trọ trong con hẻm ở phường 10, quận Tân Bình.
Trong căn nhà một trệt, một gác gỗ chất đầy hàng phế liệu, chị Hồng cùng gần chục phụ nữ làm nghề mua ve chai nói cười rôm rả. Nói về 5 triệu yen, chị Hồng cho biết từ khi Công an quận Tân Bình niêm phong số tiền đến nay chị chưa nhận được thông báo nào. "Tôi chỉ biết là sau một năm công an sẽ định đoạt chủ sở hữu. Những ngày gần đây, khi có nhiều người hỏi thăm, tôi càng hồi hộp hơn. Chồng tôi ở quê ngày nào cũng điện thoại hỏi", chị Hồng nói.
Một năm trước, chiều 21/3/2014, chị cùng chồng đem thùng loa cũ bằng kim loại vuông, cao khoảng 0,5m đã gỉ sét, mua được vài tháng trước đó ra hẻm tháo ốc vít, phân loại để lấy sắt, đồng... Chồng chị phát hiện bên trong có một hộp gỗ dài khoảng 20 cm, rộng khoảng 15 cm và khá sâu. Khi chiếc hộp được mở, vài tờ tiền bay ra và được một số người đứng gần đó nhặt. "Từ nhỏ đến lớn chúng tôi có bao giờ thấy tiền nước ngoài đâu. Cả hai nghĩ là tiền âm phủ, chứ không hề biết là tiền của Nhật", chị Hồng nhớ lại.
Lời đồn về hai vợ chồng mua ve chai "trúng kho báu" lan rất nhanh. Chỉ vài giờ sau, nhiều người kéo đến nhà trọ của anh Vương để xin tiền "lấy hên" hoặc "làm kỷ niệm". Trong đám đông còn có nhiều thanh niên lạ mặt gây áp lực buộc vợ chồng anh phải chia tiền. Hoảng sợ, hai vợ chồng phải đóng chặt cửa và chạy lên gác "cố thủ".
Công an được huy động đến giải tán đám đông tập trung trong hẻm. Ngay trong đêm, chị đã giao tiền cho công an thì tình hình trật tự xung quanh nhà mới vãn hồi. Tổng cộng số tiền chị Hồng giao nộp là 520 tờ tiền Nhật, có một số xấp bị mục nát, mỗi tờ mệnh giá 10.000 yen (tổng cộng trên 5 triệu yen, tương đương hơn một tỷ đồng).
Chị Hồng kể từ ngày thông tin về việc hai vợ chồng tìm thấy 5 triệu yen thì họ hàng, người thân ai cũng hỏi thăm, chúc mừng. Anh Vương do bị áp lực từ dư luận, hàng xóm nên đã xin về quê Quảng Ngãi để nuôi bò và chăm lo cho hai con nhỏ. Chị vẫn hàng ngày lầm lũi đẩy xe khắp con đường để mua ve chai. Mỗi ngày rong ruổi kiếm được 100.000-200.000 đồng, chị dành dụm hàng tháng gửi về tiền về quê lo hai con ăn học.
"Cuộc sống một năm qua của tôi không có nhiều thay đổi. Có chăng đó là tôi được nổi tiếng, đi đến đâu ai cũng nhận ra và hỏi thăm về số tiền trong thùng loa. Khi đó, tôi lại lâng lâng cảm giác như mình đã cầm được số tiền lớn trong tay rồi. Một năm trôi qua thật nhanh", chị nhoẻn miệng cười.
Chị cho biết sẽ thật hụt hẫng nếu "phút 90" mà có người đến chứng minh là chủ sở hữu số tiền trên. Còn nếu được nhận số tiền lớn, hai vợ chồng sẽ trang trải cho cuộc sống gia đình bớt khổ, dành dụm tiền cho hai con ăn học, xây lại nhà cho cha mẹ hai bên, cho chị em cùng cảnh ngộ một ít. "Một ít chị sẽ làm từ thiện cho các em nhỏ mồ côi, người mù ở chùa... Lộc trời cho thì mình phải sử dụng số tiền cho xứng đáng", chị nói.
Sau hơn một giờ ăn và nghỉ trưa, chị Hồng cùng mọi người lại đội nón lá và đẩy bộ chiếc xe ba bánh tỏa ra đường mưu sinh. Mọi người cho biết, vừa ra Tết hàng ve chai nhiều nên tranh thủ thời gian. "Không chỉ mọi người ở chung mà ai trong xóm ve chai này cũng mong vợ chồng nó sẽ nhận được tiền. Bớt một người khổ với nghề này là chúng tôi vui rồi. Biết đâu một ngày nào tui sẽ trúng mánh như nó", cô Bảy, người ở chung nhà với chị Hồng chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress ngày 12/3, đại tá Lê Hoàng Châu - Trưởng Công an quận Tân Bình - cho biết, hơn 5 triệu yên mà vợ chồng chị Hồng giao nộp đã được gửi vào kho bạc nhà nước. "Ngày 28/4/2014, Công an Tân Bình đã đăng báo tìm chủ sở hữu nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến nhận. Đúng thời hạn một năm thông báo công khai về số tiền, cơ quan công an sẽ thông báo cho chị Hồng biết về kết quả xác định chủ sở hữu như quy định của pháp luật", đại tá Châu cho biết.
Về hướng xử lý số tiền này, các nhà làm luật cho rằng nên chiếu theo Khoản 2 Điều 239 Bộ luật Dân sự: Xác lập quyền sở hữu với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu. Theo đó, hết thời hạn thông báo tìm chủ số tiền mà kết quả là "không xác định được chủ sở hữu" thì Công an quận Tân Bình sẽ giao lại toàn bộ số tiền tạm giữ cho chị Hồng. Trong trường hợp vụ việc đã chuyển cho tòa án định liệu thì chị Hồng sẽ đề nghị tòa xác nhận về việc không có người tranh chấp số tiền trên. Căn cứ quyết định này, công an sẽ giao lại toàn bộ số tiền cho chị Hồng.
Điều 239 Bộ luật Dân sự: Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu 1. Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước. 2. Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp. UBND hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu. Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản thì sau năm năm, kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật. |
An Nhơn