Nghệ sĩ nói về công việc, cuộc sống, quan điểm về chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm trong dịp chương trình phát sóng số mới.
- Vì sao anh không xuất hiện trong Táo quân năm nay dù trước đó xác nhận sẽ trở lại với "một vai diễn hoàn toàn khác biệt"?
- Đó là kỳ vọng của tôi cũng như toàn bộ dàn diễn viên cũ. Với tôi, Táo quân là ngôi nhà mình đã gắn bó suốt 20 năm. Từng ấy thời gian, mình đã làm tốt rồi nhưng đến nay, các vật liệu xi măng, cát, sỏi đá không đạt đủ tiêu chuẩn để có thể làm một ngôi nhà mới nguy nga hơn, hoặc chí ít là đẹp như trước. Vì thế, chúng tôi quyết định dừng lại, đề nghị êkíp thay cả một dàn Táo trẻ, tạo ra luồng sinh khí mới.
Chương trình được xem là món ăn tinh thần của nhiều người dân Việt Nam vào đêm giao thừa, chúng tôi không được phép làm bữa cơm tất niên trở nên không ngon. Đây là chuyện trước sau sẽ diễn ra. Tôi nghĩ năm nay là thời điểm thích hợp để thay đổi.
- Cảm xúc của anh thế nào khi rời chương trình gắn bó suốt 20 năm?
- Đây không phải sự chia ly mà chỉ là sự chuyển giao, tạo cơ hội cho các bạn trẻ trải nghiệm, đồng thời khán giả cũng có món ăn mới. Rất có thể năm sau chúng tôi sẽ trở lại. Nhưng tất cả xác định nếu tái xuất, chúng tôi phải có kịch bản khác hẳn hoặc chất lượng tốt để giữ chân khán giả.
- Anh nghĩ sao về dàn diễn mới của chương trình?
- Các bạn trẻ hăng hái, nhiều năng lượng, chấp nhận mọi thử thách trong khi chúng tôi lớn tuổi, thận trọng hơn. Tôi không muốn nhận xét điều gì bởi khán giả sẽ làm việc ấy. Tôi chỉ nghĩ: "Hãy để họ được trao cơ hội như chúng tôi 20 năm về trước".
Thực ra, những nghệ sĩ đóng Táo mới cũng đều có thâm niên trong nghề. Như anh Bá Anh, thay tôi đóng Táo Giao thông, cũng 53 tuổi rồi, là đàn em của tôi ở Nhà hát Tuổi trẻ. Vai diễn này cũng chỉ là một trong hàng trăm vai trong sự nghiệp của chúng tôi.
- Anh nghĩ sao khi nhiều khán giả nói sẽ không xem show vì vắng bóng những gương mặt cũ?
- Khán giả có điều khiển trên tay, có quyền tắt bật. Tôi nghĩ nhiều người nói vậy thôi nhưng rồi vẫn xem vì đêm giao thừa cũng ít chương trình (cười).
- Anh nghĩ sao trước ý kiến "nên bỏ Táo quân để xây dựng một chương trình hoàn toàn mới"?
- Khán giả là người xem, có thể đưa ra bất kỳ ý kiến nào, còn êkíp chỉ biết cố gắng hết mình thôi. Giống như một ngôi nhà đang xây, người đi qua kẻ khen người chê, nhưng chủ nhà vẫn phải xây theo ý mình thôi.
- Không đóng Táo quân, lịch làm việc những ngày cuối năm của anh năm nay có gì khác biệt?
- Áp lực của tôi giảm đi rất nhiều, có thời gian ăn ngon ngủ yên trước Tết. Mọi khi, chúng tôi chạy đua trong một tháng, lịch tập thường từ đêm cho đến sáng. Chị Vân Dung lần nào cũng ốm lê lết. Ngoài áp lực thời gian, sức khỏe, chúng tôi căng thẳng bởi đau đáu muốn làm cho hay nhưng thành quả lại chưa đạt đến mức mình mong muốn.
Năm nay là lần đầu tôi không ngồi lại xem mình diễn trong giao thừa mà đi diễn ở tỉnh, sáng mùng một tôi mới xem lại chương trình. Mọi năm, khoảng 23h30, sau khi chương trình kết thúc hơn một tiếng, là lúc tôi bắt đầu đón nhận những lời khen và thanh minh những chê bai (cười).
- Về hưu ba năm nay, cuộc sống của anh thay đổi thế nào?
- Tôi không chạy show quá nhiều do tuổi đã lớn mà xưa nay vốn "thầy già con hát trẻ". Gần nhất, tôi dành hai tháng dựng vở Tiếng gọi mùa hè cho Nhà hát Tuổi trẻ - nơi tôi gắn bó suốt 45 năm. Đó là cái nôi mình sinh ra nên chẳng có lý do gì để từ chối cả, chỉ cần mời là tôi nhận lời.
Tôi không còn đam mê nhiều như thời trẻ, cũng không áp lực kinh tế bởi con cái đã trưởng thành. Tôi làm chủ cuộc đời, không vướng bận điều gì. Tôi sống khoa học, đúng giờ, 5h30 dậy tập thể dục khoảng một tiếng, sau đó đi bơi, về cho chó, chim, cá cảnh ăn. 8h, tôi đưa bạn gái đi ăn sáng, cà phê rồi 9h bắt đầu làm việc hoặc đọc sách. Một ngày cứ thế trôi đi.
- Ở tuổi 63, cách yêu của anh thay đổi thế nào?
- Tôi vẫn tôn trọng, yêu thương bạn gái nhưng tâm niệm mình phải yêu bản thân mình nhất. Tôi chăm chút sức khỏe hơn, dành thời gian đi du lịch trong, ngoài nước. Tôi giờ có thời gian, tiền bạc rủng rỉnh nên tranh thủ, bởi ngoài 70 tuổi mà muốn xuất ngoại thì thủ tục lại khó khăn hơn. Ban đầu, bạn gái tôi không muốn đi cùng tôi bởi công việc quá bận, nhưng trải nghiệm vài lần lại nghiện. Còn ở trong nước, tôi được nhiều doanh nghiệp, khu du lịch mời đến, còn chẳng mất tiền.
- Anh từng nói tương lai vào viện dưỡng lão chứ không gắn bó với ai, giờ dự định ấy ra sao?
- Tôi quan niệm chuyện này rất rõ ràng, rành mạch. Khi sức khỏe đã yếu, không thể kiểm soát cơ thể, nên để những người có chuyên môn chăm sóc, không nên khiến vợ con hay người thân vướng bận. Hơn nữa, bạn gái tôi còn trẻ, công việc bận rộn. Nhưng đấy là chuyện tương lai, còn hiện tại tôi vẫn khỏe mạnh (cười).
- Anh còn trăn trở gì trong công việc, cuộc sống?
- Tôi không đau đáu gì bởi may mắn trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống. Tôi vào nhà hát năm 1978, là học viên khóa đầu tiên và gắn bó đến khi về hưu. Gần 40 năm gắn bó cơ quan, tôi từ một chàng thanh niên không có gì trở thành người có vợ, có con, có sự nghiệp và gương mặt được cả nước biết đến. Sau khi chia tay Ngọc Huyền hai năm, tôi lại "cuối đời gặp Lan", có bạn gái là Ý Lan.
Tôi không phải lo cơm áo gạo tiền. Tôi nghĩ đó không phải do tôi tài giỏi mà là nhờ phúc phần ông bà, tổ tiên để lại. Mọi thứ đến với tôi đều tự nhiên.
Với nghề diễn, tôi nghĩ đây là thời điểm khó với các nghệ sĩ. Trước kia, cán cân "cung" và "cầu" cân bằng, giờ chúng tôi vẫn "cung" nhưng cái "cầu" của khán giả đã thay đổi. Họ khó tính, có nhiều thứ để thưởng thức trong khi anh em nghệ sĩ chưa kịp cập nhật, bị đánh giá khắt khe hơn.
Chí Trung, 63 tuổi, sinh ở Hà Nội, là con trai của nghệ sĩ Quý Dương và nghệ sĩ violin Phùng Thúy Lan. Trên sân khấu kịch, anh từng tham gia nhiều vở diễn như Romeo và Juliet, Lời thề thứ 9, Trò đời. Nghệ sĩ cũng góp mặt trong phim Tết này ai đến xông nhà, Ghen, Thái sư Trần Thủ Độ. Ngoài ra, anh nổi tiếng với vai Táo Giao thông chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm. Chí Trung được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997, từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.
Hà Thu