NSƯT Chí Trung là danh hài được khán giả khắp trong Nam ngoài Bắc mến mộ. Anh là trưởng đoàn II Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ, và là người dàn dựng nhiều chương trình Đời cười, Gala Hài... cho sân khấu thủ đô. Mới đây, Chí Trung xuất hiện trong vai trò đạo diễn chính kịch. Gần đây nhất, anh tạo ra một bước đột phá về hình ảnh sân khấu khi dựng vở "Mùa hạ cuối cùng".
NSƯT Chí Trung đã mang tới một câu chuyện về niềm tin, sự trung thực và những nhức nhối trong ngành giáo dục. Vở diễn, dựa trên vở kịch của Lưu Quang Vũ, công diễn hôm 11/9 tại Nhà hát Tuổi Trẻ.
NSƯT Chí Trung đã sáng tạo với 5 tấm vải trắng, được sử dụng đa chức năng trên sân khấu. |
Lấy bối cảnh tại một trường trung học vào thời kỳ cao điểm, khi các học sinh lớp 12 đang trong kỳ thi cuối cấp ra trường. Nhân vật chính là Châu - một học sinh thông minh, chăm chỉ và trung thực. Trong khi làm bài thi môn Toán, Châu phát hiện ra mình đã biết trước đề thi và phản ánh với thầy giám thị, mong được nhà trường ra một đề thi khác cho công bằng. Nhưng đâu phải trung thực, ngay thẳng là được ủng hộ. Ban giám hiệu đã có một cuộc họp để bàn về chuyện của Châu, nhưng để bảo vệ danh dự nhà trường, đề nghị của Châu không được chấp thuận. Châu kiên quyết không nói ra ai là người đưa đề thi cho mình, và vì thế cậu bị nghi ngờ và xếp vào dạng học sinh cá biệt. Cuối cùng, mẹ của Thời - một học sinh được Châu kèm cặp - đã thú nhận mua đề thi giúp con mình có thể tốt nghiệp.
Không chỉ dừng tại đó, khi thủ phạm làm lộ đề thi lộ diện, hàng loạt chuyện không may đã xảy ra với Châu. Cậu mất niềm tin vào tất cả, nhà trường, bạn bè, gia đình, và đỉnh điểm là câu nói: "Đôi khi ta phải nhân nhượng với cuộc sống" của thầy Hiển - người luôn dạy Châu phải trung thực, sống theo lẽ phải. Châu bỏ đi, cậu bị đưa vào bệnh viện tâm thần, nhờ nỗ lực của thầy giáo Hiển cùng cô bạn Oanh, Châu đã trở về và dần lấy lại niềm tin vào lẽ phải, vào sự ngay thẳng, trung thực trong cuộc sống. Một cái kết có hậu cho Châu, nhưng câu chuyện vẫn còn là những câu hỏi bỏ ngỏ về những nhức nhối trong ngành giáo dục, và cao hơn cả đó là niềm tin vào lẽ phải, vào cái ngay thẳng, trung thực ở đời.
Những thước phim được chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, đẹp mắt đã khiến cho vở diễn có những hình ảnh đẹp, lãng mạn. |
Để dựng thành công một vở kịch cũ mà vẫn mang tinh thần xã hội ngày nay, Chí Trung phải đầu tư rất nhiều công sức. Anh chú trọng vào những chi tiết nhỏ, thể hiện hơi thở của cuộc sống hiện đại. Đó là việc mẹ của Thời đút lót các bà vợ của thầy giáo bằng cách tặng chung cư, chạy việc cho con vào biên chế... Các nhân vật trong kịch cũng ăn mặc rất hợp thời, như Oanh luôn mang chiếc khăn turban (trào lưu thời trang đang được yêu thích), hoặc bà Thời luôn xách theo chiếc túi Prada thời thượng; bên cạnh đó là những câu nói vui của thời hiện tại như: "Hà Nội không vội được đâu"...
Là trưởng đoàn kịch II - Nhà hát Tuổi Trẻ - một đoàn luôn diễn hài, nên Chí Trung cũng cài cắm vào nhiều chi tiết hài hước, làm mềm hóa sự căng thẳng, nghiêm nghị trong triết lý của vở diễn. Đó là giọng nói ngọng của anh trưởng phòng đài phát thanh, là cô phát thanh viên lỡ thì mà luôn vui tươi, là bà bác sĩ tâm thân đôn hậu với những điệu bộ hài hước...
Trang phục và lời thoại được làm mới, phù hợp xã hội ngày nay. |
Tuy nhiên, điều đáng kể nhất khi dựng "Mùa hạ cuối cùng" là NSƯT Chí Trung đã kết hợp sân khấu với điện ảnh, xử lý sân khấu tốt, giúp vở diễn mang tinh thần hiện đại, và đặc biệt là tạo nên đột phá về mặt hình ảnh. Nếu như trong các vở kịch sân khấu truyền thống, các tấm phông nền thường nặng nề với các màu đỏ, xanh... thì Chí Trung lại cho làm 5 tấm vải lụa trắng tinh khôi như tà áo dài tuổi học trò. Những tấm vải trắng đó khi thì làm phông nền chuyển cảnh, khi thì tạo ra một sắp đặt, bố cục sân khấu hài hòa.
Làm nên thành công của "Mùa hạ cuối cùng" còn là nỗ lực của cả êkíp, là diễn xuất của những diễn viên xưa nay quen đóng vai hài, vai phản diện, nay hóa thân vào những vai chính diện như NSƯT Đức Khuê (thầy giáo Hiển), như NSƯT Minh Hằng (mẹ Thời)...
Hiền Đỗ