Vài năm gần đây, nghệ sĩ Chí Trung ít diễn xuất mà tập trung vào công việc đạo diễn kịch và quản lý sân khấu. Bên cạnh những vở hài kịch được yêu thích, danh hài được vinh danh là "Đạo diễn xuất sắc" khi dựng kịch Lưu Quang Vũ. Mới đây, anh thử sức với một tác phẩm kịch kinh điển.
Chí Trung cho biết anh mất nhiều thời gian để nghiền ngẫm 42 trong số 100 tác phẩm kịch kinh điển thế giới, cuối cùng chọn Quan thanh tra của Nikolai Gogol. "Quan thanh tra được viết từ gần 200 năm trước nhưng đặt ra ngồn ngộn vấn đề mà ngày nay vẫn diễn ra. Tôi nhìn thấy tác phẩm có thể truyền tải được nhiều bức xúc của dư luận ngày nay, nhất là với vấn nạn tham nhũng".
Kịch bản Quan thanh tra khi dịch ra tiếng Việt dày 115 trang. Để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay, Chí Trung gọt giũa, cắt bớt kịch bản xuống còn khoảng 61 trang để có thể truyền tải trong khoảng hai tiếng đồng hồ của một vở kịch. Chí Trung chia sẻ anh cảm thấy đau lòng khi phải cắt từng chi tiết nhỏ. "Hai tháng trời tôi suy nghĩ phải bỏ gì, giữ gì để được tác phẩm cô đọng. Ăn, ngủ cũng nghĩ tới kịch bản".
Song song với quá trình gọt giũa kịch bản, Chí Trung cũng lựa chọn nhân sự dựng kịch. Anh đặt hàng nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sáng tác ca khúc trên nền nhạc Nga cho vở. Biên đạo múa Lâm Yến - người có bảy năm học múa ở Nga - được nhờ lo phần vũ đạo. Họa sĩ Doãn Bằng thực hiện sân khấu, phục trang. Cả êkíp muốn tác phẩm mang tinh thần của nền văn hóa Nga.
Kịch Quan thanh tra đang lên sàn tập Nhà hát Tuổi Trẻ. Vở diễn sẽ có khoảng 35 nhân vật, trong đó những vai chủ chốt được giao cho Sĩ Tiến, Chí Huy, Thanh Sơn, Vân Dung... Chí Trung nói rằng khi nào tác phẩm đạt độ chín mới cho ra mắt công chúng.
Quan thanh tra được nhà văn, nhà viết kịch người Nga - Nikolai Gogol - viết năm 1835. Giống như phần lớn tác phẩm trong sự nghiệp của ông, đây là một kịch bản mang tính mỉa mai, châm biếm. Các tác phẩm ấy tạo ra nhiều cuộc tranh luận, khiến Gogol phải trốn sang Rome (Italy) lánh nạn một thời gian.
Vở kịch kể về anh công chức lang thang đến một thị trấn xa xôi, hẻo lánh. Anh bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg bí mật đi thị sát. Bọn quan chức ở thị trấn vốn là những kẻ tham nhũng nên lo sợ, tìm cách mua chuộc, hối lộ "quan lớn". Nhân dịp đó, chúng tố cáo, nói xấu nhau. Viên thị trưởng còn định lợi dụng cả vợ và con gái hòng leo cao hơn lên bậc thang danh vọng, chiếm địa vị to hơn, vững hơn để áp bức, bóc lột dân chúng nhiều hơn. Vở kịch lấy bối cảnh ở một vùng hẻo lánh nhưng đã vạch trần bộ máy quan chức cồng kềnh, mục nát của chế độ Sa Hoàng.
Lam Thu