Nhưng có lẽ cũng vì cái chết của mẹ tôi mà chị thứ ba của tôi tiếp tục theo chân dấn thân học ngành Y với giấc mơ về sau có thể cứu chữa được gia đình và mọi người. Bố tôi nói khi người ta có sức khỏe sẽ có cả ngàn ước mơ. Còn khi ốm đau thì chỉ có một ước mơ là có sức khỏe. Thế là tôi có hai người chị làm bác sĩ.
Tôi không đủ lớn để biết rõ bệnh tình của mẹ khi ấy. Nhưng các chị tôi hay tiếc nuối nói với tôi, rằng ở thời điểm y học hiện đại ngày nay thì bệnh mẹ tôi hoàn toàn chữa được.
Có lẽ không ngành nào học vất vả như ngành Y. Phải học đằng đẵng 6 năm trời vô cùng vất vả cả lý thuyết và thực hành. Chị tôi bảo được cái ai mà học Y thì sẽ can đảm rất nhiều. Hồi trước tôi thấy chị tôi hay sợ những con vật bé bé như chuột, gián, sâu... còn học Y chị còn nuôi nhốt cả chuột, sâu bọ để làm thí nghiệm. Chị tôi còn kể những chuyện rùng rợn như học giải phẫu với xác người chết. Học xong 6 năm, nếu muốn thành tài thì phải học thêm 3 năm nội trú để thực hành thường xuyên thì mới có thể tự tin chữa bệnh.
Một đứa trẻ ham chơi như tôi hồi đó luôn tự hỏi sao các chị lại chọn ngành y học vất vả thế. Khi chị thứ hai tôi ra trường, được phân công làm bác sĩ ở một trung tâm y tế quận. Đất nước vừa trải qua thời kỳ bao cấp, lương giáo sư tiến sĩ còn chẳng đủ ăn tiêu chứ nói gì đến lương bác sĩ mới ra trường.
Để cải thiện thu nhập cho nhân viên, lãnh đạo của trung tâm y tế đã chạy vạy quan hệ với một bể bơi trong thành phố để cho y bác sĩ của trung tâm hành nghề ngoài giờ là... nhỏ nước mắt cho khách đi bơi, chủ yếu là trẻ con. Tận dụng quan hệ, vài chân trông xe hay bảo vệ của cái bể bơi còn được giao cho vợ hay chồng của bác sĩ trung tâm để nuôi gia đình.
Một vấn đề xảy ra là nhiều bác sĩ lại thích làm nghề phụ ngoài giờ này vì thu nhập còn tốt hơn lương nhà nước. Chị tôi nhường cho các anh chị trong cơ quan có hoàn cảnh khó khăn hơn. Về phần mình, chị tôi làm đủ nghề ngoài giờ hành chính. Lúc thì may thuê hàng quần áo xuất khẩu. Lúc thì làm mứt tết.
Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Chị cả tôi lúc trước thi trượt ngành Y đi làm kinh doanh thì lại thành đại gia đúng theo câu nói "phi thương bất phú". Còn chị hai, chị ba và anh rể tôi cũng như bao bác sĩ khác thời trước, "bổng lộc" là quà cảm ơn của bệnh nhân, lúc con gà, khi túi cam, lúc thì gói bánh cân đường hộp sữa. Họ không giàu lên được, theo nghĩa đại chúng của từ này.
Có lần tôi chứng kiến bệnh nhân nghèo ở quê lên tìm gặp chị vì đã cứu khỏi bệnh hiểm nghèo cho đứa con trai duy nhất. Họ nài nỉ bác sĩ nhận quà. Chị tôi chỉ nhận chục trứng gà quê, còn phong bì thì nhất quyết trả lại chị ấy để lấy tiền chăm sóc cho con. Người mẹ bệnh nhân khóc. Ánh mắt chị tôi tràn ngập niềm vui và niềm thương cảm. Lúc đó tôi thực sự cảm động. Tôi hiểu niềm vui của nghề bác sĩ cứu chữa cho người bệnh vượt lên trên những vất vả và chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Câu chuyện quanh bữa cơm gia đình những ngày này cuốn theo dòng thời sự nóng bỏng về Covid-19. Cả nhà nhắc lại chuyện những năm chị thứ ba tôi làm ở phòng chống dịch của trung tâm y tế dự phòng của thành phố Hà Nội. Cứ ở đâu tại Hà Nội có dịch là chị tôi phải lên đường, nào là dịch SARS năm 2003; dịch cúm H1N1; H5N1; dịch sốt xuất huyết...
Đi làm công tác chống dịch, mệt và nguy hiểm. Nhiều bác sĩ đã bị lây nhiễm từ bệnh nhân và rồi chết vì bệnh, như 5 bác sĩ ở bệnh viện Việt Pháp hồi đại dịch SARS. Hay hàng trăm bác sĩ ở bệnh viện ở Vũ Hán bị chết vì bị lây nhiễm Covid 19. Nhiều buổi gia đình tụ tập họp mặt ăn uống, chị tôi vừa xuất hiện thì bị mọi người trong gia đình "xua đuổi" vì là "người có khả năng truyền nhiễm dịch bệnh nguy hiểm". Chị tôi nuốt nước mắt vào lòng không dự sinh hoạt gia đình nữa mà về nhà ăn cơm nguội và tự cánh ly với cả nhà.
Giờ chị không làm ở đội chống dịch nữa, chuyển sang phòng xét nghiệm với công việc đỡ vất vả và nguy hiểm hơn. Nhưng chị và đồng nghiệp vẫn căng như dây đàn mỗi khi Hà Nội và cả nước có dịch.
Tôi lại nhớ ngày trước, tôi thương các chị tôi làm bác sĩ vất vả mà lương không đủ ăn. Tôi thắc mắc với chị thứ hai, sao không chuyển luôn sang nghề khác có phải kiếm nhiều tiền hơn. Thay vì trả lời, chị tôi hồi ấy đã nghêu ngao hát: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai".
Nguyễn Tiến Đạt