Tại buổi thông tin tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 ngày 10/4, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, năm nay có khoảng 100.000 học sinh sẽ tốt nghiệp THCS và dự kiến thi vào lớp 10 THPT, tăng 22.000 so với năm trước.
Đáp ứng sự gia tăng số lượng thí sinh thi vào lớp 10, Sở Giáo dục sẽ nâng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập lên 62%, thay vì 60% như các năm trước. Theo đó, toàn thành phố sẽ có thêm 327 lớp.
"Sĩ số mỗi lớp từ 40 học sinh sẽ nâng lên 45, vẫn đúng quy định. Các trường dạy một buổi, nếu có điều kiện sẽ dạy hai buổi; trường nào còn phòng học sẽ bổ sung lớp", Giám đốc Sở Phạm Văn Đại nói. Ông đã yêu cầu các nhà trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo đủ chỗ cho học sinh.
Năm 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giữ phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT là kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Để vào học trường THPT công lập không chuyên, học sinh sẽ phải thi tự luận hai môn Toán, Văn trong ngày 7/6. Mỗi em được đăng ký hai nguyện vọng vào trường công lập, nếu trượt cả hai sẽ học trường dân lập, trường nghề hoặc giáo dục thường xuyên.
Điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT Hà Nội là điểm THCS cộng với điểm thi (nhân hệ số 2) và điểm cộng thêm. Điểm mới trong việc cộng điểm thi vào lớp 10 của Hà Nội là "chỉ cộng điểm khuyến khích đối với học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông; mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa 2 đối tượng liên tiếp nhau là 0,5".
Những năm trước, Sở này cộng từ 0,5 đến 2 điểm khuyến khích cho thí sinh thi vào 10 nếu đạt giải từ cấp tỉnh trở lên trong các cuộc thi: học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa; thi viết thư quốc tế; giải toán trên máy tính cầm tay; thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (VIFOTEC); thi giải Toán và tiếng Anh trên Internet; thi Hội khoẻ phù đổng...
Điểm mới khác của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay là các trường ngoài công lập được phép tuyển sinh chỉ bằng xét tuyển dựa vào học bạ THCS, không cần kết hợp thi Toán, Văn.
Riêng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Chu Văn An có lớp đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (chứng chỉ A-level) sẽ tuyển sinh theo phương thức thi và phỏng vấn.
Học sinh sẽ thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam vào ngày 7/6, cùng kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên. Các em sau đó sẽ thi theo chương trình đào tạo tú tài Anh quốc vào ngày 10/6. Ở vòng này, thí sinh phải làm bài thi môn tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hóa học đều bằng tiếng Anh. Cuối cùng, thí sinh phải phỏng vấn với ban tuyển sinh của trường vào ngày 18/6.
Số thí sinh vào lớp 1, lớp 6 tăng so với năm trước Năm học 2018-2019, số lượng học sinh vào lớp 1 của Hà Nội tăng gần 30.000, vào lớp 6 tăng khoảng 11.000. Phương án tuyển sinh của trường mầm non, tiểu học, THCS chủ yếu vẫn theo tuyến, sử dụng phần mềm đăng ký trực tuyến. Riêng các trường THCS không tuyển sinh theo tuyến và có số lượng đăng ký cao hơn chỉ tiêu, được phép kết hợp xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Phương án tuyển sinh chính thức của các trường này sẽ do UBND quận, huyện phê duyệt. Đề kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6 THCS sẽ được Sở Giáo dục Hà Nội thống nhất chung cho các trường. Theo đó, thí sinh sẽ phải làm 2 bài kiểm tra là: bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán; bài tổ hợp Khoa học xã hội - tiếng Việt - tiếng Anh. Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu ở lớp 5, hình thức là trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, thời gian làm bài 60 phút. Bài kiểm tra này sẽ giá bốn cấp độ nhận thức của người làm là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. "Đề thi sẽ được ra theo tinh thần không gây áp lực cho học sinh, các em không cần học thêm cũng có thể làm được", Phó giám đốc Sở Giáo dục Lê Ngọc Quang khẳng định. |