Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm nay, các quốc gia trên thế giới đã tăng cường kho vũ khí quân sự của mình, bất chấp suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, khiến chi tiêu quân sự toàn cầu năm ngoái tăng 0,7% so với năm 2020.
"Năm 2021, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lần thứ bảy liên tiếp, đạt 2,1 nghìn tỷ USD. Đó là con số cao nhất chúng tôi từng ghi nhận", Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, cho hay.
Chi tiêu quân sự của Nga năm 2021 tăng 2,9%, đánh dấu đà tăng năm thứ ba liên tiếp, lên 65,9 tỷ USD. Lopes da Silva cho biết chi tiêu quốc phòng chiếm 4,1% GDP của Nga, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới và khiến Nga trở thành quốc gia chi tiêu cho vũ khí lớn thứ năm trên thế giới.
Nguồn thu từ dầu khí cao được nhận định là lý do giúp Nga thúc đẩy chi tiêu quân sự. Lopes da Silva lưu ý rằng Nga tăng mạnh chi tiêu quân sự vào cuối năm ngoái, thời điểm nước này tập trung khoảng 100.000 quân dọc biên giới với Ukraine, chuẩn bị cho chiến dịch quân sự được bắt đầu hôm 24/2.
Theo ông Lopes da Silva, Nga có thể duy trì mức chi tiêu quân sự này hay không là điều khó dự đoán, do đang hứng chịu làn sóng trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây. Năm 2014, khi sáp nhập Crimea, Nga cũng chịu các lệnh cấm vận của phương Tây, nhưng giá năng lượng thời kỳ đó giảm mạnh nên rất khó đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.
"Các biện pháp trừng phạt hiện nay cứng rắn hơn, nhưng giá năng lượng cao hơn có thể giúp Nga đủ khả năng duy trì chi tiêu quân sự", ông lưu ý.
Chi tiêu quân sự của Ukraine cũng đã tăng 72% kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ngân sách quốc phòng Ukraine giảm hơn 8% năm 2021, xuống còn 5,9 tỷ USD, nhưng vẫn chiếm 3,2% GDP nước này.
Khi căng thẳng gia tăng ở châu Âu, nhiều quốc gia NATO tăng cường mua sắm vũ khí. Năm ngoái, 8 quốc gia thành viên NATO đã đạt chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Lopes da Silva dự đoán chi tiêu quân sự ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trung Quốc, quốc gia có ngân sách quốc phòng năm 2021 khoảng 210 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới, đã tăng chi tiêu quân sự lên 4,7% trong năm ngoái, đánh dấu đà tăng năm thứ 27 liên tiếp. Quá trình tăng cường sức mạnh quân sự của nước này được coi là lý do thúc đẩy nhiều quốc gia trong khu vực tăng ngân sách quốc phòng, với Nhật Bản thêm 7 tỷ USD, tăng 7,3%, mức tăng hàng năm cao nhất kể từ năm 1972.
Mỹ, quốc gia bỏ xa bất kỳ nước nào khác trên thế giới về ngân sách quốc phòng, lại đi ngược xu hướng toàn cầu và giảm 1,4% chi tiêu quân sự trong năm 2021.
Trong thập kỷ qua, chi tiêu của Mỹ cho nghiên cứu và phát triển tăng 24%, trong khi mua sắm vũ khí giảm 6,4%. Cả hai chỉ số này đều giảm trong năm 2021, cho thấy Mỹ tập trung "vào các công nghệ thế hệ tiếp theo".
"Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì ưu thế công nghệ của quân đội nước này trước các đối thủ chiến lược", Alexandra Marksteiner, một nhà nghiên cứu khác tại SIPRI, nhận định.
Huyền Lê (Theo AFP)