Luật sư Bùi Phan Anh (Công ty Luật Sen Vàng) cho hay, việc các hộ dân trong cùng khu đất góp tiền xây dựng phụ thuộc thỏa thuận dân sự giữa các bên. Hàng xóm đến sau không đồng ý nộp tiền là quyền của anh ta.
Về đường đi, chị Lan chi tiền đổ bê tông nhưng không thể ngăn cấm hàng xóm sử dụng bởi đây là "quyền về lối đi qua" theo Điều 254 Bộ luật Dân sự.
Ngược lại, đường ống nước sạch, cống thoát; ống lắp dây điện, mạng Internet ngầm là tài sản do chị Lan và những người "đến trước" lắp đặt nên là tài sản của nhóm này. Hàng xóm đến sau muốn sử dụng phải được đồng ý của nhóm chủ sở hữu.
Luật sư khuyên, chị Lan không nên kiện người hàng xóm không nộp tiền ra tòa bởi anh ta chưa gây thiệt hại gì; không lấn chiếm ngõ đi chung. Việc kiện tụng cũng rất phức tạp, quá mất thời gian so với con số 10 triệu đồng.
Bước đầu, chị nên đưa sự việc ra tổ dân phố hoặc ủy ban phường để hòa giải. Có thể không thành công nhưng chính quyền, mọi người biết nhóm của chị là bên "có thành ý".
Không hòa giải được, chị Lan và mọi người không cho hàng xóm sử dụng chung đường nước, điện, mạng đã lắp ngầm; buộc anh ta đi đường riêng. Người này sẽ phải đào đường lên lắp đặt ống các loại với chi phí "không hề rẻ".
Trước lúc đó, chị Lan và mọi người cần chụp ảnh, quay phim hiện trạng ngõ chung để buộc người hàng xóm sau khi đào đường, đặt ống phải "hoàn trả nguyên trạng".
Song Minh