Theo Coin Telegraph, tâm lý tích cực của người dùng Bitcoin đang lên mức cao nhất trong 16 tháng qua. Dữ liệu từ Alternative, chuyên trang theo dõi biến động của thị trường tiền mã hóa, cho thấy mức độ tham lam của người dùng Bitcoin ngày 21/3 đã cán mốc 68 điểm.
Trong lĩnh vực tiền mã hóa, chỉ số sợ hãi và tham lam là yếu tố quan trọng cho thấy tâm lý của người dùng về Bitcoin và các tiền mã hóa phổ biến khác. Nhà đầu tư tiền mã hóa thường có xu hướng tham lam khi thị trường tăng, dẫn đến tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ). Trong khi đó, họ có thể bán tháo tài sản khi thị trường liên tục giảm. Một mặt chỉ số tham lam và sợ hãi phản ánh tâm lý chung của cộng đồng, mặt khác cũng là tham chiếu giúp nhà đầu tư không rơi vào bẫy tâm lý quá lo lắng hoặc quá hưng phấn.
Chỉ số này được đánh dấu từ 0 đến 100. Trong đó 0 là biểu thị của tâm lý "cực kỳ sợ hãi" còn 100 là "cực kỳ tham lam". Nỗi sợ hãi tăng đồng nghĩa nhà đầu tư đang quá lo lắng. Còn khi nhà đầu tư quá tham lam, thị trường có thể sắp có điều chỉnh.
Lần gần nhất thị trường chứng kiến chỉ số này trên 66 điểm là ngày 16/11/2021 khi giá Bitcoin lập kỷ lục, đạt 69.000 USD.
Tâm lý hưng phấn của người dùng Bitcoin nói riêng và tiền số nói chung tăng đáng kể sau vụ sập ngân hàng Silicon Valley Bank. Một số ngân hàng khác cũng đóng cửa hoặc gặp khó khăn. Cộng đồng tiền mã hóa xem đây là những tín hiệu của cuộc khủng hoảng tài chính truyền thống và Bitcoin là kênh trú ẩn an toàn. Dữ liệu từ Coingecko tuần qua cho thấy, giá Bitcoin đã tăng 27,8%. Ngày 20/3, BTC đã vượt mốc 28.000 USD, cao nhất tính từ tháng 6/2022.
Markus Thielen, trưởng bộ phận nghiên cứu của dịch vụ tài chính Matrixport, cho rằng giá Bitcoin sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn vì người dùng đang hào hứng và thị trường có lợi thế về thanh khoản.
Trong khi đó, Charles Edwards, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Capriole, thậm chí lạc quan hơn, cho rằng Bitcoin sẽ cán mốc 100.000 USD năm nay. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý người dùng không nên quá phụ thuộc vào các chỉ số thống kê mà cần quản lý rủi ro một cách tỉnh táo.
Ryan Selkis, CEO công ty phân tích tiền mã hóa Messari, nhận định trên Twitter rằng những vấn đề của ngân hàng truyền thống đang khiến dòng tiền chảy vào thị trường tiền điện tử nhiều hơn.
Bitcoin cũng đã được Goldman Sachs xếp hạng là tài sản tốt nhất, đạt 51% lợi nhuận tuyệt đối từ đầu năm đến nay. Ngày 17/3, Goldman Sachs cho biết tổng lợi nhuận của Bitcoin trong ba tháng đầu năm đã vượt xa vàng và các tài sản khác.
Khương Nha