Chỉ số S&P 500 mất tới 6,71% đóng cửa tại 752,44 điểm, thấp nhất kể từ ngày 14/4/1997. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt dốc 5,56%, kết thúc ngày giao dịch tại 7.552,29 điểm. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, 872 điểm tương đương 10,4% đã bốc hơi khỏi chỉ số Dow Jones. Chỉ số Nasdaq hiện có giá trị 1.316,12 điểm, thấp hơn phiên trước 5,07%.
Cả Dow Jones và Nasdaq đều đang thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2003. Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 9/2007, chỉ số S&P 500 đã giảm 52%. Chỉ số Dow Jones hiện cách đỉnh 47%. Con số này với Nasdaq là 54%.
Thị trường Mỹ tiếp tục rung chuyển sau những báo cáo nghèo nàn từ thị trường lao động, khối sản xuất, cũng như số phận như chỉ mành treo chuông của các nhà sản xuất xe hơi.
Tâm điểm của thị trường phiên hôm qua là việc Thượng viện hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua kế hoạch sử dụng gói 25 tỷ đôla nhằm giải cứu cho ngành công nghiệp xe hơi. Lý do cho quyết định trên là quá ít ý kiến ủng hộ giải pháp này. Những người đứng đầu đảng Dân chủ cho hay, thượng viện sẽ họp lại vào tháng 12 để bàn về biện pháp dành cho ngành công nghiệp sản xuất xe hơi nếu các nhà sản xuất hàng đầu có thể cho biết số tiền cần thiết để họ tự vực dậy công việc kinh doanh.
Những người lãnh đạo cao nhất tại General Motor, Chrysler, và Ford đã có mặt tại Whasington cả tuần nay để thuyết phục Chính phủ bơm tiền vào các hãng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tốt nhất là các công ty nên tuyên bố phá sản, tái cơ cấu lại hoạt động và sát nhập.
Tại khối tài chính, Citigroup, ngân hàng có mạng lưới dịch vụ lớn nhất thế giới, dẫn đầu xu hướng giảm của thị trường. Cổ phiếu của hãng đã mất tới 26,4%, bất kể tin tốt cổ đông lớn nhất của công ty, hoàng tử A-rập Alwaleed Bin Talalm, nói sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 4% lên 5%. Trước đó, Citigroup đã cắt giảm tới 50 nghìn nhân công để giảm bớt chi phí hoạt động.
Theo báo cáo của Chính phủ, số người Mỹ mới nộp đơn đăng ký thất nghiệp tuần qua leo lên 542 nghìn, cao nhất trong 16 năm qua. Số người nhận trợ cấp thất nghiệp hiện cao nhất kể từ năm 1982.
Sau khi lên 0,1% trong tháng 9, chỉ số của các chỉ báo kinh tế hàng đầu (LEI) giảm 0,8% trong tháng 10, cao hơn dự tính 0,6% của các nhà kinh tế. Chỉ số sản xuất khu vực Philadelphia có giá trị âm 37,5 điểm trong tháng 10, tồi hơn dự đoán âm 35 điểm của các chuyên gia.
Thị trường tiếp tục ghi nhận làn sóng rút chạy của giới kinh doanh khỏi chứng khoán. Tính theo tuần từ 12/11 đến 19/11, các nhà đầu tư đã rút gần 19,5 tỷ đôla ra khỏi các quỹ tương hỗ đầu tư chứng khoán. Tuần trước nữa, số tiền bị rút khỏi thị trường còn lớn hơn, 31,8 tỷ đôla.
Phiên giảm hôm qua còn trở nên u tối hơn với diễn biến của thị trường nhiên liệu. Giá dầu chìm xuống dưới 50 đôla một thùng, sau khi mất 4,77 đôla xuống còn 49,62 đôla một thùng.
Chứng khoán châu Á cũng không thể đứng vững trước làn sóng bán ra của các nhà đầu tư. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật bị trừ 6,89%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 4,04%. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite thấp hơn tham chiếu 1,67%. Chứng khoán Hàn Quốc cũng chứng kiến chỉ số KOSPI đi xuống 6,7%.
Tương tự như diễn biến tại châu Á và phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến cả ba thị trường hàng đầu đều ngập trong sắc đỏ. Chỉ số FTSE 100 của Anh hạ thấp 3,26%. Chỉ số DAX của Đức giảm 3,08%. Chỉ số CAC 40 của Pháp xuống 3,48%.
Xuân Hòa