Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một trong những chỉ số thường dùng nhất trong y tế. Tuy nhiên nó lại thiếu sót trên nhiều khía cạnh. Chính điều này đã thúc đẩy các nhà khoa học tìm kiếm những giải pháp mới, Real Clear Sciene đưa tin.
Trước hết, tỷ lệ của BMI không hoàn toàn chính xác. Người cao sẽ có BMI lớn hơn người thấp dù họ có chung vóc dáng. Tiếp đến, BMI không quan tâm đến sự thay đổi hình dạng cơ thể trong khi một vài người mảnh mai, số khác lại cơ bắp. Thêm vào đó, mỗi chúng ta trữ chất béo ở những vị trí khác nhau. Chất béo dưới da không liên quan đến nguy cơ tử vong như chất béo ở bụng. Cuối cùng, BMI không phân biệt giữa mỡ thừa và khối lượng cơ bắp. Điều này có nghĩa những vận động viên thường bị xếp vào hàng thừa cân, thậm chí là béo phì.
Với những lý do trên, các nhà khoa học Đại học West Virginia (Mỹ) đã cho ra đời chỉ số hình dạng cơ thể dựa trên bề mặt (SBSI) dựa trên 4 yếu tố chính: diện tích bề mặt cơ thể (BSA), chu vi dọc cơ thể (VTC), chiều cao (H) và chu vi vòng eo (WC).
"Cha đẻ" của SBSI là Ashiqur Rahman và Donald Adjeroh đã áp dụng chỉ số này cho 11.808 tình nguyện viên tuổi 18-85 từng tham gia khảo sát trong nghiên cứu của Viện Sức khỏe và Dinh dưỡng. Kết quả, SBSI chỉ lệch 0,107% ở phụ nữ và 0,108% ở nam giới, đạt độ chính xác tương đối cao. Cặp tác giả nhận định SBSI vượt trội hơn hẳn so với BMI và ABSI, chỉ số hình dạng cơ thể được đưa ra vào năm 2012.
Dù tỏ ra hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng chưa biết chắc liệu SBSI có thay thế được BMI hay không. Nhiều khả năng nó sẽ chịu chung số phận với "người đi trước" ABSI. Trên website y học nổi tiếng PubMed, số bài viết đề cập đến chỉ số này chỉ là 83 trong khi BMI được nhắc đến hơn 34.000 lần.
Minh Nguyên