Nước tinh khiết không tồn tại trong tự nhiên. Chúng luôn có lẫn các khoáng chất và hóa chất vốn có hoặc do tác động của con người. Một số chất gây ô nhiễm tồn tại trong tự nhiên có khả năng gây hại cho con người, bao gồm: kim loại như asen, thủy ngân, chì..., các hợp chất phóng xạ (radium) hay và vi sinh vật (ký sinh trùng, vi khuẩn, động vật nguyên sinh và tảo xanh lam độc hại).
Các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và phát triển đô thị cũng ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng của nguồn nước bề mặt và nước ngầm. Ví dụ, sự phát triển đô thị sẽ làm giảm diện tích bề mặt có sẵn để lọc vào lòng đất. Kết quả, nước chỉ chảy qua bề mặt đất (hay còn gọi là dòng chảy bề mặt) thay vì nạp lại. Hơn nữa, chất lượng nước có thể bị đe dọa do sử dụng quá mức và không hiệu quả. Do đó, hoạt động của con người có thể trực tiếp và gián tiếp đưa các chất gây ô nhiễm vào hai nguồn nước này.
Liên hợp quốc cũng cảnh báo, nếu xu hướng lãng phí và ô nhiễm nước ngọt hiện nay vẫn tiếp diễn, cứ ba người trên trái đất, có hai người sẽ bị thiếu nước từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong vòng ít hơn hai thập kỷ. Dòng nước thải từ các tòa nhà, đường phố, vỉa hè cũng có thể mang theo vi khuẩn, dầu, kim loại, rác... xuống dòng nước ngầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Do đó, mỗi người cần có kiểm soát hành vi sinh hoạt hàng ngày để ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn, góp phần giảm chi phí quá trình xử lý nước uống.
Thứ nhất, mỗi người nên giảm thiểu chất thải và tái sử dụng các sản phẩm có thể dùng nhiều lần, hoặc tái chế làm phân trộn. Đồng thời, các gia đình không nên sử dụng bồn cầu như sọt rác, vứt bỏ các chất gây hại để vừa hạn chế ô nhiễm, vừa tiết kiệm nước sinh hoạt.
Thứ hai, người dân nên vứt bỏ các sản phẩm chứa hóa chất độc hại đúng cách. Trên nhãn bao bì các sản phẩm này sẽ có hướng dẫn vứt an toàn, tuyệt đối không đổ xuống cống rãnh, mặt đất, nhà vệ sinh hay thùng rác thông thường. Người dùng có thể mang đến kho chứa chất thải nguy hại của địa phương. Tương tự với dược phẩm như ống tiêm, thuốc hết hạn..., người dân cũng cần xử lý theo hướng dẫn của cơ sở y tế địa phương hoặc hiệu thuốc.
Bên cạnh đó, các gia đình cần ưu tiên các sản phẩm tẩy rửa không chứa chất độc hại, có nghiên cứu an toàn với môi trường. Điều này có thể kiểm tra thông qua website của nhãn hàng. Ngoài ra, giấm trắng là một "chất tẩy rửa tất cả trong một" và là sản phẩm sinh học hữu cơ tự nhiên của trái cây, rau và ngũ cốc, có thể phân hủy sinh học.
Nếu nhà có giếng, gia đình nên giữ khoảng cách thích hợp với các nguồn gây ô nhiễm tiềm ẩn như hệ thống tự hoại, thuốc trừ sâu, phân bón và các vật liệu gây hại khác. Như vậy, khả năng ô nhiễm sẽ giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, người dân có thể giảm phát thải, ô nhiễm nguồn nước bằng cách ưu tiên di chuyển bằng phương tiện công cộng; sử dụng phân bón hữu cơ; mang dầu máy đã qua sử dụng đến trung tâm tái chế; không sử dụng các chất tẩy rửa xe ô tô có chứa phốt phát; đảm bảo xà phòng, bụi bẩn và dầu không vào cống thoát nước mưa hay lát đá chống thấm ở bề mặt đường, sân nhà...
Nhật Lệ (Theo Safe Drinking Water Foundation)