Theo báo cáo mới đây từ Công ty tư vấn toàn cầu Kearney, chi phí logistics của nước Mỹ đã tăng 22,4%, lên mức 1,85 nghìn tỷ USD trong năm 2021. Con số này tương đương với 8% GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới năm ngoái, tỷ lệ cao nhất kể từ 2008.
Cụ thể, các chuyên gia Kearney chỉ ra rằng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng chi phí liên quan đến việc lưu trữ, xử lý và tài trợ cho mặt hàng này lại tăng lên đáng kể. Trong đó, chi phí lưu kho tăng 25,9% và chi phí vận chuyển hàng tồn kho tăng 21,7%.
"Điều này đã dẫn đến tình trạng chuỗi cung ứng bất cân xứng và hàng hóa sẵn có không đồng đều", nhóm phân tích đánh giá.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết chi phí cho các dịch vụ vận tải đường thủy tăng 23,6%, do cước phí các tuyến quốc tế của các hãng vận tải biển tăng mạnh. Tính riêng năm 2021, số tiền cước vận tải biển thu được đã cao hơn 20 năm trước cộng lại.
Trong khi đó, chi phí vận tải đường bộ cũng tăng 23,4%, đạt lên mức 831 tỷ USD. Vận chuyển đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí chuỗi cung ứng của Mỹ.
Ngoài ra, chi tiêu cho dịch vụ chuyển phát bưu kiện đã tăng 15,6%, đưa tốc độ tăng trưởng kép 5 năm gần đây lên 11,4%, mức cao nhất trong tất cả các loại chi phí.
Tỷ lệ chi phí logistics trên GDP cao phản ánh sự kém hiệu quả của chuỗi cung ứng, khiến việc đưa hàng hóa ra thị trường tốn nhiều chi phí hơn. Sự kém hiệu quả của chuỗi cung ứng, nhu cầu hàng hóa tăng vọt là những hệ quả rõ nhất mà đại dịch Covid-19 để lại năm 2021.
Bà Balika Sonthalia, đối tác tại Kearney và là tác giả chính của báo cáo, cho rằng không có gì ngạc nhiên khi thấy ngành logistics liên tục chịu gián đoạn do đại dịch. Phạm vi và thiệt hại của những gián đoạn này vẫn đang tiếp tục đặt áp lực lên các công ty logistics cũng như nền kinh tế Mỹ.
Dù vậy, bà Sonthalia vẫn lạc quan khi đánh giá lĩnh vực logistics năm qua đã bắt đầu thực hiện những thay đổi có lợi cho cả các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp trong ngành đã đạt được những bước đi trong multi-shoring và giao hàng chặng cuối, giúp đẩy nhanh tiến độ giao hàng và về lâu dài, giảm chi phí cho tất cả các bên.
Với sự phát triển của thương mại điện tử, năm 2021 chứng kiến xu hướng tăng lên của khối lượng giao hàng chặng cuối. Báo cáo cho biết doanh số thương mại điện tử đã tăng 10% vào năm ngoái (lên 871 tỷ đô la), chiếm 14% doanh số bán lẻ của nước Mỹ.
Bên cạnh đó, báo cáo dự đoán các doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh chiến lược multi-shoring (đa dạng nhà cung cấp cả trong và ngoài nước). Theo đó, các công ty đang dần tìm cách chuyển các hoạt động về gần Mỹ hơn để có thể đáp ứng nhanh hơn với biến động nhu cầu thị trường.
Lê Huy (theo Logistics Management, FreightWaves)