Đọc qua hai bài viết "Việt Nam không nên cố xây dựng công nghiệp ôtô" và "Các hãng xe đang chuyển giá khi lắp ráp tại Việt Nam?", tôi có ý kiến như sau.
Trong quá trình sản xuất xe, các yếu tố chính tạo chi phí ngoài vật liệu là: các nhà cung cấp ở gần hay xa, chi phí kho và nhận vào, đưa ra kho, xưởng lớn hay nhỏ, sử dụng nhiều hay ít robot, dây chuyền tự động hay bằng tay, kiểm chất lượng xe sau sản xuất bằng hệ thống tự động hay bằng tay, vận chuyển xe đến thị trường qua container hay "RO-RO" (Roll-On Roll-Off).
Trong chuỗi quá trình này số lượng càng cao thì chi phí càng thấp. Ví dụ ở nhà máy Wolfsburg của Volkswagen mỗi ngày ra xấp xỉ 4.000 xe. Robot được sử dụng rất nhiều, dập vỏ thân xe có thể lên 18 tấm trong một phút với chất lượng cao. Nếu trong chuỗi dập mà có nhân công vào thì không thể đạt được. Vì số lượng lớn thì có hệ thống quản lý chính xác qua máy tính. Xe được sản xuất đúng như khách hành đặt, với màu, nội thất, phụ kiện...
Nếu là CKD (Completely Knocked Down) thì cả là một vấn đề. Chuỗi làm phải bằng tay, công nhân đi thu gom các bộ phận (tùy xe lớn nhỏ từ 3.000 đến 10.000 bộ phận), gói và bỏ vào thùng vận chuyển và chuyển container đến nơi lắp ráp CKD. Việc sử dụng nhiều nhân công tạo chi phí cao. Vận chuyển container đến cảng, lên tàu, chuyển đến nơi sản xuất CKD lại phải mở ra, phân loại và đưa vào chuỗi sản xuất CKD. Và nếu so sánh với CBU (Completely Built Up) thì khác hẳn, chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều, lái xe CBU lên các tàu chuyên chở xe "RO-RO", đến nơi chạy xe xuống tàu và đưa đến nhà phân phối/đại lý. Diện tích chiếm và chi phí thấp hơn.
Nhìn quá trình này thì thấy chi phí nguyên thủy cho xe CKD đã cao hơn CBU. Rồi tại thị trường lại phải cộng thêm chi phí lắp ráp nữa, nên xe CKD bắt buộc giá phải cao hơn và chỉ đáng làm khi có thuế nhập khẩu CBU cao. Chính sách CKD là cho thời điểm chưa toàn cầu hóa. Nhiều nước mới phát triển bảo vệ thị trường nội địa và tạo hàng rào thuế quan. Một khi không còn thuế nhập khẩu hay đặc biệt khác cho xe nguyên chiếc CBU thì CKD không thể tồn tại được.
Vào khoảng năm 2010, Việt Nam còn cơ hội chuyển hướng bằng cách tạo thị trường cho một vài tập đoàn lớn và kêu gọi họ đầu tư "thật", sản xuất vĩ mô. Rất tiếc thời điểm đó đã qua, theo tôi không nên hỗ trợ lâu dài một đường lối bế tắc, không bao giờ cạnh tranh được.
Độc giả Vũ Hán