Nếu tổn thương ở ngực, nguy cơ sẹo lồi sẽ rất cao. Ảnh: Corbis. |
Chị Thương (26 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) có vết sẹo ở cánh tay do bị miếng kính cắt vào. Nghe một thẩm mỹ viện quảng cáo về phương pháp mài mòn chữa sẹo rất kỳ diệu, chị đến điều trị. Sau nhiều lần chịu đau để mài da, vết sẹo phẳng đi rất nhiều. Nhưng một thời gian sau, chỗ vết sẹo đó sưng tấy và lồi lên, đỏ và ngứa. Đến trung tâm da liễu, bác sĩ cho biết đó là hậu quả của việc mài da.
Còn Mai (19 tuổi, Hà Đông, Hà Tây) tìm đến mỹ viện để chữa sẹo lõm do mụn trứng cá. Mặc dù che mặt cẩn thận mỗi khi ra đường trong vòng vài tháng sau điều trị, nhưng sau đó mặt vẫn bị nám đen và trông còn xấu hơn trước kia.
Còn chị Thanh (30 tuổi, Hưng Yên) đến chữa sẹo bằng tia lazer tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Lúc đầu, vết sẹo phẳng đi thấy rõ, nhưng sau 3 tuần, vùng da này trở nên tấy đỏ, đau rát. Vết sẹo lồi lên rất to.
Theo tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, vết sẹo được nhận ra bởi 3 đặc tính: Lồi lên, màu sẫm và cứng. Các biện pháp mài da và đốt bằng laser CO2 đều không xóa được sẹo mà chỉ làm giảm đi một thuộc tính của nó, đó là đỡ lồi.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng nó không lồi trở lại, thậm chí lồi to và xấu hơn ban đầu, nhất là nếu giữ gìn không tốt. "Khoảng 30% những người chữa sẹo bằng mài mòn da bị sẹo lồi sau đó" - tiến sĩ Sơn nói. Đó là vì do khi mất lớp biểu bì, các mô cơ phía dưới sẽ phát triển lồi lên vì không còn được kiểm soát. Ngoài ra, vùng da đó cũng rất dễ bị thâm nám.
Việc bôi kem cũng không làm mất được sẹo. Tuy nhiên, nếu được bôi kịp thời và đủ lâu (từ khi cắt chỉ, trong 3-6 tháng), nó sẽ giúp vết sẹo trở nên khó nhận thấy hơn.
Còn muốn vết sẹo thực sự biến mất, cách duy nhất là cắt bỏ nó đi. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Xanh Pôn, các phương pháp sau đang được áp dụng:
Khâu thẩm mỹ: Nếu sẹo nhỏ, sau khi cắt, bác sĩ sẽ khâu luồn dưới da để sợi chỉ không lộ ra ngoài, không có vết chỉ. Có trường hợp không cần dùng chỉ mà lấy keo sinh học dán hai mép lại. Biện pháp này rất lý tưởng cho vùng mặt.
Chuyển vạt da: Dùng cho các trường hợp sẹo to, lồi. Sau khi cắt sẹo, dùng vạt da bên cạnh chuyển lên ghép vào.
Ghép da tự thân: Lấy da chỗ khác ghép vào vùng bị cắt do sẹo.
Ghép da nhân tạo: Dùng cho trường hợp vùng sẹo quá rộng. Sau khi ghép da nhân tạo, bác sĩ sẽ phủ lên môt lớp da mỏng lấy từ đùi hoặc đầu...
Giãn da: Áp dụng cho trường hợp sẹo to và ở những vị trí phức tạp như đầu, mặt, cổ, cánh tay. Để có da ghép, bác sĩ không cắt ở nơi khác mà đặt một túi nước dưới da bên cạnh vết sẹo, sau đó bơm nước vào dần dần. Da ở đó sẽ phát triển giãn ra cho đến khi đủ ghép.
Vi phẫu: Bác sĩ chuyển một vạt da cơ có mạch nuôi (như ở đùi và cánh tay, sau lưng) lên vùng có sẹo lớn, nối các mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu.
Hải Hà