Khu vực khảo sát khoảng 400 m2, có thể mở rộng vị trí hiện vật tàu đắm bị rơi vãi hoặc có tàu đắm khác tại vùng biển theo phản ánh. Thời gian khảo sát con tàu cổ chứa kho cổ vật khoảng 5 ngày kể từ ngày Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ngãi tuần tra bảo vệ “kho cổ vật 500 năm” ở vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Ảnh: Trí Tín |
Trong quá trình thăm dò sẽ sử dụng máy quay phim, máy chụp ảnh dưới nước, la bàn chuyên dụng, máy hút cát, thiết bị thợ lặn chuyên nghiệp cùng đội ngũ thợ lặn kinh nghiệm.
Ngoài ra, các tàu thuyền cũng được phân công túc trực, giám sát thường xuyên, khoanh vùng khu vực khảo sát, thăm dò, thả hệ thống phao nổi nhằm bảo vệ, ngăn chặn không cho ngư dân đưa tàu thuyền vào trục vớt cổ vật gây thất thoát, hư hại. Đơn vị tham gia khảo sát, có trách nhiệm bảo hiểm và đảm bảo điều kiện an toàn lao động cho lực lượng tham gia thăm dò. Kết quả khảo sát, thăm dò khảo cổ di sản văn hóa dưới nước cần được bảo mật.
Trước đó một ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cũng đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo thăm dò, khai quật khảo cổ di sản văn hóa ở vùng biển Bình Châu gồm11 thành viên do ông Lê Quang Thích, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi làm trưởng ban chỉ đạo. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch làm phó ban.
Trí Tín