Chị Gan Youqin trở thành người nổi tiếng nhất ở Lingshan, vùng Quảng Tây sau khi đăng hàng loạt video về cuộc sống nông thôn của mình, từ đó giúp dân địa phương bán trái cây đi khắp đất nước.
"Trước đây, buổi tối, nông dân mang nông sản tới chợ tỉnh cách làng cả vài chục km để bán", Gan Youqin kể với South China Morning Post. "Họ phải đợi vài tiếng chợ mới mở cửa vào sáng, sau đó chấp nhận bán rẻ cho dân buôn hoặc mang đồ ế về. Bây giờ, qua trang của tôi, người làng có thể bán trái cây dễ dàng và được giá cao", chị nói thêm.
Trước khi nổi tiếng trên mạng, Gan sống giản dị với các công việc đồng áng, nấu nướng và chăm sóc con trai cùng cha mẹ già. Chị trở về làng năm 2008 cùng chồng sau vài năm đi làm công nhân, vì không muốn để cậu con trai 4 tuổi cô đơn ở nhà, như nhiều bố mẹ trẻ phải tha hương khác.
Hơn một năm trước, chị được người cháu gợi ý đăng các video ngắn về cuộc sống ở nông thôn. Ban đầu, họ quay các video Gan đang nấu ăn nhưng sau đó mở rộng ra nhiều hoạt động khác ở làng quê. Những lần quay đầu, Gan khá căng thẳng. Khi quên lời, chị nhìn vào camera và mỉm cười. Về sau, chị bán thêm trái cây khi thấy nhiều người xem để lại những bình luận hỏi nơi mua. Với phong cách chân thật, quần áo giản dị, giọng địa phương và nụ cười mộc mạc, các video của chị nhanh chóng thu hút đông người xem và chỉ trong 6 tháng đã đạt một triệu lượt theo dõi.
Hầu hết những người hâm mộ chị đều là những người di cư nhớ quê nhà hoặc các cư dân thành thị tò mò về cuộc sống thôn quê.
Trang trực tuyến của Gan đã có hơn 2 triệu người hâm mộ, và đạt doanh số 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,36 triệu USD) năm ngoái.
Lingshan quê chị là vùng phát triển chậm do giao thông không thuận lợi. Mặc dù nổi tiếng vì nhiều loại trái cây ngon như vải, nhãn, cam, xoài, nông dân làm theo kiểu truyền thống không kiếm được bao nhiêu. Nhưng vụ mùa thu năm ngoái, dân làng đã bán được 1,5 triệu kg trái cây qua cửa hàng online của Gan.
Thành công của Gan đã thu hút sự chú ý của chính quyền. Các quan chức đã đến thăm và học hỏi cách làm của chị. Mỗi ngày, chị thuê 50-150 người làng tới đóng gói sản phẩm, khiến thu nhập của người dân tăng đáng kể.
"Có rất nhiều đổi thay ở làng tôi. Nông dân trước đây lười nhưng giờ có động lực để tập trung trồng và chăm sóc cây ăn trái thật tốt", chị kể.
Gan nói rằng chị chưa quen với sự nổi tiếng và cảm thấy bối rối mỗi khi bị người lạ nhận ra, chào hỏi. "Nhưng tôi hạnh phúc vì người quê mình có thu nhập cao hơn cả không ít người tha phương kiếm sống và họ có thể ở nhà với con cái và nhìn bọn trẻ lớn lên", chị nói.
Vương Linh