Mục đích của một chính phủ tập trung vào người dân (people-centric) là xem người dân là trung tâm để phục vụ. Việc giải quyết các thủ tục hành chính được đánh giá hiệu quả khi cung cấp cho người dân các dịch vụ hành chính minh bạch, thuận tiện với nhiều sự lựa chọn, có sự quản lý chỉ đạo một cách khoa học và rõ ràng.
Đáp ứng được những yêu cầu này, liệu cò có còn đất sống không?
Cò hộ chiếu (đội nón). Ảnh: A.N
Cò giấy phép lái xe. Ảnh: Quốc Thắng
Cò... sách giáo khoa (áo đen). Ảnh: Tiến Dũng
Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc (LHQ), sự trưởng thành của dịch vụ công được đánh từ mức 1 đơn giản nhất (cung cấp thủ tục thực hiện, biểu mẫu đơn từ) cho đến mức 4 – phát triển nhất (có các giao dịch và tương tác liên thông giữa các cơ quan nhà nước).
Tại Việt Nam, theo như các số liệu đánh giá, hiện nay các dịch vụ công được cung cấp trên các cổng thông tin điện tử (Portal) của các Bộ và các Tỉnh/Thành phố đạt 100% mức 1, khoảng 50% mức 2, 30% mức 3 và 17% mức 4.
Chúng ta thường nghe thuật ngữ “cơ chế một cửa” (one gate) hay “một dừng” (one stop) nghĩa là khi bạn nộp đơn thực hiện dịch vụ ở đâu thì sẽ nhận kết quả thực hiện dịch vụ ở đó. Mọi bước trung gian sẽ có người khác làm, dịch vụ được thực hiện liền mạch và liên thông, bạn chỉ cần nhận kết quả theo ngày hẹn và thanh toán tiền dịch vụ.
Đó chính là một chính phủ điện tử (e-government) đúng nghĩa, sử dụng các phương tiện điện tử để điều hành và quản trị đất nước và thay đổi hoàn toàn cách tư duy quản lý hiện nay, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với người của cơ quan công quyền để hạn chế tối đa tiêu cực.
Các cơ quan của chính phủ được kết nối, tương tác liên thông với nhau (G2G), giữa cơ quan nhà nước với công dân (G2C) và giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp (G2B) theo cả hai chiều.
Điều này đưa chủ thể phục vụ là người dân và doanh nghiệp trở về đúng vị trí của mình là tham gia vào việc quản lý và góp ý vào các chính sách của nhà nước như đúng câu nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được nhắc tới trong văn bản của Đảng và Nhà nước, nhằm hạn chế tối đa việc tham nhũng, hối lộ và nhũng nhiễu khi thực hiện dịch vụ.
Trong khi chờ đợi phát triển một chính phủ điện tử trưởng thành cao nhất, như một công cụ giúp cho cuộc sống minh bạch hơn, ít dối trá hơn, công bằng hơn, chúng ta vẫn phải sống, vẫn phải thực hiện các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống, va đương nhiên cò vẫn tồn tại, nhiều người dân vẫn cần đến cò.
Ở Việt Nam, cò môi giới mới phát triển mạnh mẽ trong nhiều linh vực: cò bệnh viện, cò nhà đất, cò hộ chiếu, cò xây dựng, cò dự án, cò đấu thầu, cò sổ đỏ ...
Cò làm được mọi chuyện một cách nhanh gọn với chi phí phụ thuộc vào độ khó của dịch vụ, nhưng thông thường khi so sánh với công sức, thời gian, chi phí bỏ ra khi người dân tự thực hiện thì nhờ cò vẫn hiệu quả hơn.
Hiện nay thủ tịch hành chính công rườm rà, chủ nghĩa thân quen (cronyism) lên ngôi khiến đây trở thành mảnh đất béo bở nhất cho cò.
Hơn ai hết, chính mỗi chúng ta là người hiểu rõ nhất nỗi thống khổ ra sao khi phải giải quyết vấn đề về thủ tục hành chính.
Một ví dụ cụ thể trong việc đất đai, thử một lần đi xin giấy phép xây dựng là thấm thía. Ở một số nơi cũng tàm tạm, nhưng phần nhiều các trường hợp, khi bạn xây một cái gì đó, thì các đội ngũ môi trường, thanh tra xây dựng, điện nước không rõ được thông tin từ đâu mà xuất hiện rất nhanh. Sau khi kiểm tra thì kiểu nào bạn cũng sẽ vi phạm một điều gì đó và để tiếp tục công việc một cách trôi chảy, bạn phải “đóng phạt”.
Dù sao, tôi vẫn tin đến một ngày nào đó, hình ảnh cò trong việc môi giới thực hiện các dịch vụ công, sẽ chỉ còn trong ký ức.
Nghiêm Mỹ
Chia sẻ bài viết quan điểm của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.