Đọc bài viết Đánh thuế cao nhà, đất thứ hai sẽ giúp thế hệ trẻ mua được nhà của tác giả Manh đăng ngày 20/3. Tôi rất chia sẻ với quan điểm của tác giả. Giá nhà đất của Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực (từ 22 đến 25 lần thu nhập ở Việt Nam, từ 7 đến 8 lần thu nhập ở các nước trong khu vực) làm cho thế hệ trẻ chúng tôi rất khó có thể mua được nhà.
Tuy nhiên tôi không đồng ý với đề xuất đánh thuế cao đối với nhà, đất thứ hai, vì tính không khả thi trong triển khai thực hiện. Người Việt có câu “An cư lạc nghiệp”, chính vì tâm lý này cũng như giá nhà đất luôn biến động tăng làm cho người Việt đầu cơ đất, cha mẹ khi có điều kiện kinh tế thì mua đất để dành cho con, người dân lo lắng giá đất ở sẽ tăng nên chọn mua đất khi tiết kiệm đủ tiền (dù thời điểm mua chưa có nhu cầu sử dụng), chính điều này làm lãng phí rất lớn trong sử dụng đất đai cũng như làm giảm các nguồn lực của xã hội để đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết khác.
(Xem thêm:Chống lãng phí đất đai và tài sản công )
Chắc mọi người còn nhớ năm 2010, khi Quốc hội đang thảo luận Luật thuế nhà đất (khi được thông qua thì sửa thành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) thì ngoài thị trường đang xảy ra sốt đất. Năm 2017 lại tiếp tục xảy ra đợt sốt đất ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Quốc, TP HCM... hậu quả của các đợt sốt đất là nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng dẫn đến nguy cơ đổ vỡ.
Trong mấy năm gần đây, nhiều dự án nhà ở riêng lẻ, nhà ở chung cư tiếp tục được đầu tư xây dựng, trong khi đó trên cả nước đã có nhiều dự án khu đô thị mới đang để đất hoang, nhiều căn nhà liền kề không có người ở. Tuy bỏ hoang nhưng khi có người hỏi mua thì người bán hét với giá trên trời, không phù hợp với khả năng tài chính của đa số người có nhu cầu.
Tôi cho rằng, chỉ khi Quốc hội sửa đổi triệt để các luật thuế liên quan đến đất đai mới giúp chất dứt các đợt sốt đất, tránh được lãng phí trong sử dụng đất đai và giúp hướng các nguồn lực trong dân để đầu tư vào các lĩnh cần thiết khác như hạ tầng như giao thông (đường bộ, đường sắt, đường hàng không). Ở Mỹ, thuế suất thuế nhà đất từ 1% đến 3% tùy từng bang, được tính trên giá trị giao dịch gần nhất của nhà đất, nếu hộ gia đình sở hữu một căn biệt thự trị giá 800.000 đôla thì phải nộp thuế hàng năm khoảng 8.000 đôla, đây là số tiền thuế không nhỏ so với thu nhập trung bình của người Mỹ.
(Xem thêm: Nên mở rộng luật đất đai thành luật đất và nước )
Chính mức thuế suất này làm cho người Mỹ phải rất cân nhắc khi quyết định sở hữu căn nhà thứ hai, thứ ba, giúp giảm thiểu các đợt sốt nhà đất cũng như ngăn được việc sử dụng lãng phí nhà đất ở Mỹ.
Ở Việt Nam, để đảm bảo tính khả thi khi đi vào thực hiện, cũng như do yếu tố lịch sử để lại, chỉ nên đánh thuế đối với đất ở. Đối với nhà ở, do người dân tự bỏ tiền ra xây dựng (hoặc mua) khi đó đã nộp các loại thuế, cũng như những phức tạp trong việc xác định giá trị căn nhà, giá trị hao mòn, không nên đánh thuế. Vì thế, nếu Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 theo hướng:
a) Điều chỉnh thuế suất đối với đất ở đã đưa vào sử dụng là 1%.
b) Điều chỉnh thuế suất đối với đất ở chưa đưa vào sử dụng là 10% (đối với căn hộ chung cư chưa đưa vào sử dụng thì phần diện tích đất ở phân bổ cho căn hộ nay coi như chưa đưa vào sử dụng).
c) Khấu trừ tiền sử dụng đất đã nộp đối với các thửa đất thuộc diện đã nộp tiền sử dụng đất (có tính đến trượt giá từ thời điểm nộp đến thời điểm khấu trừ, sau khi khấu trừ hết mới bắt đầu phải nộp thuế), thì sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng lãng phí đất ở trên cả nước. Mỗi thửa đất ở, căn hộ chung cư đều gắn với một địa chỉ cụ thể, do đó sẽ rất khả thi khi xác định tình trạng sử dụng của thửa đất ở, căn hộ chung cư trong năm tính thuế.
(Xem thêm: Luật đất đai cần sửa một số vướng mắc )
Nếu được sửa đổi như trên, tôi tin rằng:
a) Giá đất ở, nhà ở sẽ giảm, với thuế suất cao, người đang nắm giữ đất ở, nhà ở chưa đưa vào sử dụng sẽ buộc phải đưa vào sử dụng bằng cách bán, cho thuê ..., nguồn cung tăng giúp giá giảm.
b) Tăng thu ngân sách, với hơn 18 triệu sổ đỏ đất ở đã cấp (trong đó hơn 5 triệu sổ đỏ ở đô thị), số thuế thu được hằng năm là rất lớn, đủ để bù lại số thuế xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các hiệp định thương mại.
c) Khắc phục được các tồn tại khác trong Luật đất đai như: chính sách 2 giá đất (giá nhà nước, giá thị trường), chi phí đền bù sẽ giảm (do giá đất giảm, giúp tăng vốn cho đầu tư xây dựng), giảm thiểu khiếu kiện liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng (do giá đất tính thuế và giá đất đền bù bằng nhau), điều tiết lại lợi ích của các hộ dân có thửa đất ở (mà trước đây đang ở trong ngõ nhỏ) bỗng dưng trở thành nhà bám mặt đường rộng (được hưởng lợi rất lớn) nhờ dự án mở đường của Nhà nước...
Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.