Trước tiên chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận rằng dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật của người dạy và người học. Hoạt động này cũng có những mặt tích cực của nó và không khó để tôi có thể liệt kê một vài ví dụ ra đây:
1. Hoạt động này giúp người học được chủ động chọn người dạy phù hợp với mình, điều mà các cơ sở giáo dục hoàn toàn không có khả năng đáp ứng.
2. Giúp các thầy cô giáo giỏi có điều kiện cải thiện thu nhập một cách chính đáng, điều mà nhà nước chưa làm được và tôi chắc chắn là không bao giờ làm nổi.
3. Người thầy giỏi có cơ hội truyền thụ kiến thức đến nhiều học trò hơn, giúp phát huy tối đa “nguồn nhân lực chất lượng cao” trong giáo dục. Đây cũng là điều các nhà quản lý giáo dục mong muốn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục khi mà đội ngũ thầy cô giảng dạy có trình độ rất không đồng đều như hiện nay.
4. Các học sinh có nhu cầu tìm hiểu kiến thức chuyên biệt có cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của mình, điều mà chương trình giáo dục đại trà hiện nay không đáp ứng được.
Tuy nhiên, việc dạy thêm và học thêm bên cạnh những mặt tích cực cần phát huy thì cũng có những mặt tiêu cực cần hạn chế. Tôi có thể đưa ra một vài vấn đề tiêu cực như sau:
1. Thầy cô dạy lơ là trên lớp để dành tâm huyết dạy ở nhà.
2. Các thầy cô chuyên môn kém nhưng vẫn muốn có thu nhập cao thì quay sang đì học trò của chính mình, bắt đi học thêm chứ học trò người ta thì đâu có đì được.
Vậy giải pháp là gì?
Trước tiên tôi phân tích giải pháp mà TP HCM vừa nêu ra. Tôi thấy TP HCM ra lệnh cấm thầy cô giáo không được dạy thêm tại trường và tại nhà, muốn dạy thêm thì phải đi dạy thuê cho một cơ sở giáo dục tư nhân mở ở bên ngoài. Giải pháp này cá nhân tôi cho rằng chưa thật sự hiệu quả vì các nguyên nhân sau:
1. Giáo viên trước dạy lơ là hoặc đì học sinh thì bây giờ vẫn cứ lơ là và đì như thường, bắt học sinh đến trung tâm mà mình tham gia dạy để học thêm.
2. Giáo viên và học sinh có nhu cầu thực sự thì cuối cùng vẫn gặp nhau để dạy và học như trước chỉ có điều là bây giờ phải thông qua môi giới. Thầy cũng chịu thêm phí, trò cũng chịu, người hưởng lợi lại là người ngoài ngành giáo dục.
Vậy là cái xấu thì không diệt được lại quay sang làm khổ cái tốt. Thế là vô cùng phi lý.
Vậy giải pháp tôi đưa ra là gì?
1. Các thầy cô giỏi muốn dạy thêm thì cứ dạy thêm; học sinh ai muốn học thầy cô nào thì cứ tự do đăng ký mà học. Đây là quyền lợi chính đáng của công dân không ai được phép can thiệp. Ai có cơ sở ở nhà thì cho phép họ dạy ở nhà, ai không có thì hợp đồng thuê phòng học ở trường và tự thỏa thuận với nhà trường chứ nhà trường không được phép tự tổ chức rồi bắt học sinh học, bắt giáo viên dạy, nhà trường hưởng lợi. Làm được điều này là ta phát huy được những mặt tích cực của dạy thêm, học thêm mà nhà nước chả tốn đồng chi phí nào.
2. Nghiêm cấm thầy cô không được phép dạy thêm những học sinh mình đã tham gia giảng dạy trong chương trình chính khóa ở trường dưới mọi hình thức.
Lúc đó giáo viên sẽ không còn dạy lơ là trên lớp nữa vì để dành tâm huyết cho ai bây giờ? Giáo viên cũng chẳng còn lý do gì để đì học sinh nữa, không được phép dạy thêm học sinh của mình thì đì làm gì cho mệt, chi bằng cứ dạy hết mình, học sinh thấy hay thì sẽ tự quảng cáo cho bạn bè đến học, lợi cả đôi đường.
Vậy nếu các thầy cô vẫn cố tình vi phạm lệnh cấm thì sao? Ai sẽ quản lý việc này?
Câu trả lời vô cùng dễ dàng đó là chế tài thật nặng và chính phụ huynh sẽ quản lý việc này. Cụ thể, lãnh đạo Sở sẽ có công văn triển khai đến các trường, ai vi phạm lệnh cấm lập tức đình chỉ việc giảng dạy và đuổi khỏi ngành, không kiểm điểm hay rút kinh nghiệm. Các học sinh nếu phát hiện thầy cô dạy lơ là thiếu nhiệt tình, hoặc có biểu hiện đì có thể về thông báo với cha mẹ để làm đơn tố cáo gửi đến nhà trường hoặc sở giáo dục để các cơ quan vào cuộc xác minh và xử lý. Tuy nhiên tôi tin rằng, với chế tài nặng như vậy sẽ không giáo viên nào dám mạo hiểm vì một vài học sinh mà đánh đổi sự nghiệp cả đời của chính mình.
Nếu làm được 2 việc này thì sẽ vừa phát huy được mặt tích cực của dạy thêm học thêm mà lại vừa hạn chế được mặt tiêu cực của nó và quan trọng nhất là 2 việc này rất dễ thực hiện, không tốn của nhà nước thêm bất kỳ chi phí quản lý nào. Tôi tin rằng học sinh và giáo viên cũng cảm thấy thỏa đáng.
Nguyễn Thanh Tuấn