Từ: Phuong Tran
Đã gửi: 25 Tháng Mười Một 2011 8:00 CH
Gửi chị Lan!
Tôi đọc được tâm sự của chị mà như đang nghe lời tâm sự từ người bạn thân của mình cách đây không lâu. Tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh giống như chị và bạn tôi cả, nhưng tôi cũng có những người mình thương quay lưng lại với mình mà có khi không biết vì lý do gì trên đời nữa. Rồi tôi tập cho mình lối sống nhìn vào hiện tại.
Tôi biết tôi muốn làm gì, tôi đang trải qua những gì và tôi sẽ như thế nào, mặt khác vẫn luôn tự nhủ là cuộc sống vô thường. Chỉ khi tôi làm hết sức mình, vun đắp cho cuộc sống của tôi rồi sau đó có bất trắc gì, dù là ý trời hay ý người, tôi cũng sẽ không bối rối và tiếc nuối, kiểu như "giá mà".
Lần đó, ban tôi gọi tôi ra và hỏi, theo bà nghĩ, đối với người phụ nữ có chồng, có con, thì điều gì là gây đau khổ ghê gớm hơn: "chồng mình ngoại tình với một người đàn bà khác hay ngoại tình với một người đàn ông"? Và bạn tôi đưa ra rất nhiều chi tiết cùng những mô tả về "bằng chứng" rằng chồng của bạn tôi đã bị phát hiện thuộc giới tính thứ ba.
Tôi đã trả lời rằng, hai điều đó, nếu mình đã cho là ghê gớm thì nỗi đau khổ gây ra là như nhau. Vì sao? Vì khi đau khổ, ai cũng cho mình là người đáng thương nhất, và nỗi dằn vặt "tại sao chuyện này lại xảy ra với mình?", "giá mà mình sáng suốt nhìn ra những biểu hiện có ý nghĩa báo trước như vậy", hoặc "chắc chồng mình bị quyến rũ". Nghìn lẻ một kiểu hối tiếc. Điều mà ít ai nhận ra ở đây là, điều xảy ra dù có ghê gớm thế nào, thì đó cũng là do phần người kia quyết định thực hiện hành động đó. Và rằng mình đã không còn là "tâm điểm" trong đời sống hôn nhân của cả hai.
Lúc đó là khoảng thời gian chị nhìn lại mình thôi, chị có biết mình muốn làm gì không, chị có thấy là mình hoàn toàn là người vợ tốt chưa, chị đã sống hết mình chưa, chị có phải là người mẹ tốt không? Nếu những câu trả lời là có thì chị yên tâm là chị không có gì hối tiếc nếu phải để anh ấy "ra đi". Cho dù hoàn cảnh nào thôi thúc, ít nhất đó là chọn lựa của họ. Họ không còn nhỏ để có thể đổ lỗi cho ai khác.
Mặt khác, nếu họ chọn con đường đó, hãy để họ đi. Dù sao, mình vẫn ưu tiên "giữ người ở lại, không níu kéo người muốn ra đi". Còn trách nhiệm? Hãy nói chuyện thẳng thắn. Đừng đưa đứa con ra đây làm vật níu kéo. Quan trọng là cả anh và chị cùng muốn thế nào để sau này đừng hối hận thôi, chứ đứa bé chưa biết gì cả. Nó đơn giản là cần được đảm bảo no ấm và học hành thôi, và còn cả học nhận biết những điều kiện xung quanh, dù là gia đình êm ấm hay đã đổ vỡ, chứ không phải một "gia đình đã đổ vỡ giả vờ êm ấm".
Tôi nghĩ, nếu gia đình không hạnh phúc thì đứa bé lớn lên trong môi trường như thế sẽ cảm nhận xung quanh là những vẻ bề ngoài giả dối. Làm sao chị có thể dạy dỗ nó khi đứa bé không còn biết tin vào đâu để thấy sự thật? Và một người lớn lên trong sự bao bọc tránh ra khỏi những điều không mong muốn trong đời, liệu có trưởng thành một cách mạnh mẽ không?
Sau cùng, có một người từng nói câu này, đã giúp tôi vượt qua bao sóng gió cho đến nay, đó là: "trí tưởng tượng giúp người ta làm được nhiều phát mình vĩ đại, nhưng cũng có những trí tưởng tượng gây ra sự dằn vặt, giết dần mòn con người ta và cả những người xung quanh. Thiên đường hay địa ngục, xuất phát từ suy nghĩ của mình".
Tôi không thường viết thư cho ai nên có phần chia sẻ lủng củng, nhưng rất mong chị sẽ sớm trở lại là chính mình, bao dung cho chính mình và người khác. Chị hãy sống thật mạnh mẽ.