"Sẽ có một cuộc hội đàm để xây dựng quy định cho quá trình chuyển giao quyền lực, sau đó là thành lập chính phủ liên hiệp quốc gia để chỉ đạo quá trình này", Mamadi Doumbouya, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Guinea, cho biết hôm nay, nhưng không tiết lộ cụ thể thời gian hội đàm hoặc thời hạn chuyển giao quyền lực.
Ông cam kết sẽ không thực hiện những cuộc "săn phù thủy" nhằm vào chính quyền cũ, đồng thời cam kết với các nhà đầu tư rằng hoạt động kinh doanh sẽ không bị ảnh hưởng.
"Guinea sẽ duy trì mọi cam kết và thỏa thuận khai khoáng", ông nói, nhắc tới ngành công nghiệp khai thác mỏ vốn là trụ cột kinh tế đất nước, nhấn mạnh cam kết tạo mọi điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài.
Guinea, một trong những nước nghèo nhất thế giới dù sở hữu nguồn khoáng sản khổng lồ, lâu nay bị bủa vây bởi bất ổn chính trị. Căng thẳng bùng lên hồi năm ngoái sau chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ ba gây tranh cãi của Tổng thống Alpha Conde. Một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, quân đội đã chặn lối vào quận Kaloum sau khi có báo cáo về một cuộc nổi dậy ở phía đông thủ đô.
Doumbouya, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Guinea, người đứng sau cuộc đảo chính hôm 5/9, đã bắt giữ Tổng thống Conde, 83 tuổi, tuyên bố loại bỏ hiến pháp gây tranh cãi, áp lệnh giới nghiêm, giải tán chính phủ và thay thế nhiều thống đốc và quan chức cấp cao bằng người của quân đội.
Nhiều nước đã lên án vụ đảo chính. "Bạo lực và bất kỳ luật nào ngoài hiến pháp chỉ làm xói mòn triển vọng về một Guinea hòa bình, ổn định và thịnh vượng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp.
Liên minh châu Phi và Liên Hợp Quốc đều kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Conde. Cộng đồng Kinh tế Các nước Tây Phi (ECOWAS) đe dọa sẽ trừng phạt nếu Guinea không khôi phục hiến pháp.
Hồng Hạnh (Theo AFP)