Cuối tháng 9, anh Trung, 31 tuổi, thôn Va Ly, xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, lái xe đến khu vườn xoài rộng 7 ha nằm trên triền đồi để phun thuốc trị bọ, rầy. Sau khi đổ đầy thuốc vào bình 40 lít gắn ở drone, anh Trung điều khiển thiết bị bay ở độ cao cách cây 5 m để phun thuốc.
Bay chừng 30 phút tưới được một ha xoài, drone trở về vị trí ban đầu để nạp thêm thuốc, thay pin. Sau chừng 4 giờ, máy tưới xong vườn xoài rộng lớn, chi phí chừng 500 nghìn đồng tiền xăng cho máy nổ hoạt động giúp sạc pin. Chủ vườn kể trước đây mỗi tháng tốn 5 triệu đồng thuê nhân công phun thuốc cho diện tích vườn trên. Mỗi lần tưới kéo dài hơn một tuần.
Anh Trung cho hay quyết định bỏ ra 370 triệu đồng mua drone cuối năm ngoái sau khi người bạn ở gần nhà sử dụng máy đem lại hiệu quả. Từ khi có máy, anh chủ động được việc dạy học ở trường và chăm sóc vườn. Cây được tưới nước đều cho trái nhiều, chất lượng tốt hơn. Chủ vườn tính mỗi năm khu vườn cho 80 tấn xoài Tứ Quý, đem lại doanh thu một tỷ đồng mỗi năm.
Cách khu vườn xoài anh Trung khoảng 30 km, anh Nguyễn Hữu Nhất, 28 tuổi, xã Cam Thành Bắc, cũng mua drone nông nghiệp trị giá 300 triệu đồng phục vụ tưới tiêu, chăm sóc hơn 3.000 m2 vườn xoài của gia đình.
Từ khi có máy, chủ vườn không còn mất công sức đeo thiết bị phun nặng gần chục kg leo từng cây xoài. Thời gian phun thuốc vườn xoài chỉ mất khoảng 6-7 phút thay vì hết cả ngày như trước.
Để tăng thêm thu nhập, anh Nhất nhận bay phun thuốc thuê cho nhiều loại cây ăn quả trong địa phương, với giá 120.000 đồng cho mỗi bình xịt 20 lít. Theo anh, drone nông nghiệp phun được nhiều loại thuốc phòng sâu bệnh, các dưỡng chất. Lượng thuốc phun được dàn trải và đều đặn nên tiết kiệm được chi phí.
"Nếu công việc thuận lợi, tôi sẽ đầu tư máy móc để làm dịch vụ tăng thu nhập", anh Nhất nói.
Theo thống kê, diện tích xoài ở huyện Cam Lâm đạt khoảng 6.000 ha, trong đó có 4.600 ha xoài đang cho quả (khoảng 20 giống xoài, chiếm 76% diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện). Hiện địa phương có 4 hộ nông dân chi 200-400 triệu đồng mua máy bay, phục vụ tưới tiêu cho cây.
Bà Hà Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân Khánh Hòa, cho biết việc sắm drone phun thuốc cho lúa đã được nông dân làm từ lâu nhưng cho vườn xoài thì mới năm trước. Phần lớn thiết bị này được một số nông dân ở các vườn cây ăn quả tại huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, đầu tư. Drone nông nghiệp giúp tiết kiệm hơn về năng suất, chi phí, nhân công, rút ngắn thời gian.
"Hội luôn vận động bà con ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp", bà Hạnh nói, cho biết tại những buổi tập huấn khoa học kỹ thuật luôn có các báo cáo viên bên ngành nông nghiệp tuyên truyền về hiệu quả của drone nông nghiệp để nông dân có thể sử dụng rộng rãi.
Ngoài Khánh Hoà, drone nông nghiệp cũng được nông dân ở các tỉnh miền Tây dùng phun tưới vườn cây ăn trái.
Bùi Toàn