Hùng, con trai chị, 13 tuổi, chỉ 1,45 m, thấp hơn bạn cùng lứa. Cả nhà quyết tâm hè này giúp Hùng tăng chiều cao. "Vợ chồng tôi đều thấp lùn nên bằng mọi cách con phải khác", chị nói.
Gói gym chị Hiên chọn cho con là tập 36 buổi (mỗi buổi một giờ) trong ba tháng, giá 600.000 đồng một buổi. Các bài tập được huấn luyện viên thiết lập riêng, hướng đến mục tiêu tăng chiều cao, sự nhanh nhạy tuổi dậy thì như bài bật nhảy, tăng cường sức nhanh, sức bền. Nhân viên trung tâm gym cho biết mức giá này là ưu đãi mùa hè dành cho học sinh. Bình thường, giá khoảng một triệu đồng cho một buổi tập.
Giá hơi đắt, tuy nhiên cân nhắc lợi ích, chị Hiên vẫn chọn, cố gắng cho con tập luyện, tranh thủ giai đoạn vàng tăng trưởng.
Nhóm phụ huynh của chị Hiên gồm 7 người đều cùng nhau đăng ký gói tập gym trọn dịp hè cho con. Chị Mai 43 tuổi, có hai con lớp 6 và 8, đã tập gym với huấn luyện viên cá nhân được vài buổi tại một trung tâm thể hình ở quận Thanh Xuân, chi phí khoảng gần 50 triệu đồng. Trước buổi tập đầu, các bé được huấn luyện viên đo chỉ số chiều cao cân nặng để đưa ra lộ trình và bài tập phù hợp. Chị nói rằng sau vài buổi, con chị cảm nhận các bài tập vừa sức, mẹ cũng yên tâm.
Nhiều phụ huynh đăng ký gói tập cho con tại các trung tâm thể hình, huấn luyện viên cá nhân, tạo thành phong trào trong mùa hè năm nay, theo anh Lại Luân, huấn luyện viên thể hình. Như trung tâm của anh Luân, từ tháng 5 đến nay hơn 30% học viên tuổi 13-17, tức khoảng cuối cấp 2, cấp 3. Trước khi nghỉ hè, học viên chủ yếu là người lớn, dân văn phòng.
Còn huấn luyện viên Vũ Đức Thắng, làm việc tại một trung tâm gym trên Đường Láng, cho biết 50% học viên của anh hiện nay là học sinh, khác với bình thường hầu như không có học sinh tập. Trung tâm không tăng giá, gói 36 buổi trong ba tháng chi phí hơn chục triệu đồng. Theo yêu cầu của nhiều phụ huynh, anh Thắng cũng thiết kế những bài tập riêng phù hợp thể trạng và tăng chiều cao cho trẻ.
Thùy Linh, 14 tuổi, tập tại đây từ đầu tháng 6, mỗi tuần 3-4 buổi và không giới hạn thời gian tại phòng tập. Em cho biết sau 5 buổi tập rèn thể lực, "cảm nhận cơ thể khỏe khoắn hơn nhiều".
Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020, chiều cao trung bình nam thanh niên Việt Nam là 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ trung bình 156,2 cm, tăng 1,4 cm. Tốc độ tăng chiều cao của người Việt 10 năm qua gần gấp đôi tốc độ thập niên trước đó, tuy nhiên vẫn được cho là chậm. Tính chung tầm vóc người Việt tăng trung bình 1,1 cm mỗi thập niên kể từ năm 1975.
Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030 chiều cao trung bình người Việt tăng thêm 4 cm. Các chuyên gia cho rằng để đạt mục tiêu này không chỉ phụ thuộc vào gene mà còn được quyết định bởi các yếu tố can thiệp, trong đó có tập luyện và dinh dưỡng.
Bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec, cho rằng tập luyện đúng cách đóng góp 20% khả năng tăng trưởng tầm vóc. Tập gym giúp phát triển, cải thiện sự linh hoạt cơ bắp hiệu quả. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập gym còn có ích cho xương như tăng sức mạnh và chỉ số sức mạnh của xương (BSI), giảm nguy cơ gãy xương và tỷ lệ chấn thương liên quan đến thể thao. Tuy nhiên, cần tập đúng cách, có bài tập riêng và được huấn luyện viên hướng dẫn cụ thể.
Còn theo huấn luyện viên Lại Luân, tác động chủ yếu của gym là xây dựng cơ bắp, như bài bodyweight được sử dụng nhiều nhất. Đây là bài tập không cần dùng đến máy móc hay thiết bị hỗ trợ mà chỉ vận dụng trọng lượng cơ thể giúp tăng sức bền, phát triển cơ bắp mà không dùng tạ, từ đó hỗ trợ tăng chiều cao.
Một số bài tập như bird dog, push up, back lunge, curtsy lunge, inch worms, có tác dụng kéo dài chiều dài của cột sống từ hộp sọ, cổ và xương sườn đến đốt sống và xương sống của hông, tăng cường cơ bắp, hông và lưng. Tư thế rắn hổ mang, cào cào, dễ dàng tập tại nhà, vừa kích thích chiều cao, vừa tốt cho sức khỏe cột sống.
Về dinh dưỡng, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết trẻ có ba giai đoạn quan trọng gồm trong thai kỳ, 0-2 tuổi và tiền dậy thì, dậy thì.
Trẻ chào đời có thể đạt chiều dài 50 cm, năm thứ nhất tăng thêm 25 cm, năm thứ hai tăng thêm 10-12 cm; thêm 5-7 cm mỗi năm tiếp theo; 7-15 cm mỗi năm vào giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì. Theo tiêu chuẩn tăng trưởng của trẻ em Việt Nam, tuổi tiền dậy thì là 9-11 đối với nữ và 12-14 tuổi đối với nam; tuổi dậy thì 12-13 đối với nữ và 15-16 đối với nam.
"Gia đình nên tận dụng tối đa giai đoạn này để có chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp giúp bé tăng chiều cao vượt trội", bác sĩ Hưng khuyên.
Ngoài tập gym, trẻ nên chơi ngoài trời hoặc tham gia các môn thể thao giúp xương khỏe mạnh như bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, cầu lông, đạp xe. Chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng thực phẩm nhằm cung cấp đủ năng lượng, cân đối các chất sinh năng lượng (đạm, béo, bột đường), cũng như vitamin, khoáng chất. Bổ sung thực phẩm giàu đạm và can xi như thịt, cá, tôm, cua, trứng và chế phẩm từ trứng, sữa.
Theo Mayoclinic, học sinh, nhất là giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, nên hoạt động hàng ngày từ 60 phút trở lên với các bài tập tăng cường cơ và xương. Trẻ cần chương trình rèn luyện sức mạnh an toàn, hiệu quả dựa trên độ tuổi, kỹ năng và sở thích; cần có người giám sát và hướng dẫn thích hợp để ngăn ngừa chấn thương. Bác sĩ khuyến khích bắt đầu buổi tập bằng hoạt động aerobic nhẹ từ 5 đến 10 phút, chẳng hạn đi bộ, chạy bộ tại chỗ, nhảy dây để làm ấm cơ bắp và chuẩn bị cho hoạt động mạnh mẽ hơn.
Thúy Quỳnh