Lê Quý Đôn (1726-1784) là quan thời Lê Trung hưng, được mệnh danh là nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến. Ông có những cống hiến trong nhiều lĩnh vực khoa học: Triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học… Người đương thời khuyên nhau: Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn, tức thiên hạ có điều gì không biết, đến hỏi Lê Quý Đôn.
Lê Quý Đôn sinh ra trong gia đình khoa bảng, cha là tiến sĩ Lê Trọng Thứ, quê ở làng Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Mẹ ông là con gái một vị tiến sĩ, làm quan đến tước Hoàng Phái Hầu.
Từ nhỏ Lê Quý Đôn ham học, thông minh, có trí nhớ tốt, được người đương thời coi là "thần đồng". 5 tuổi, ông đọc được nhiều bài trong Kinh thi. 12 tuổi, Lê Quý Đôn đã học khắp kinh, truyện, các sử, sách của bách gia chư tử.
14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh thành Thăng Long. Lúc ấy, cậu bé quê Thái Bình đã thông thuộc toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 17 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải nguyên. 27 tuổi ông đỗ Hội nguyên, rồi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn.
Sau khi đỗ đạt, Lê Quý Đôn được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình Lê - Trịnh. Ông từng khiến quan nhà Thanh phải tôn trọng, đổi cách xưng hô từ "di quan di mục" (tức quan lại mọi rợ) thành "A Nam cống sứ" với các sứ thần Đại Việt. Đoàn sứ của Triều Tiên cũng phải nể phục, ca ngợi tài văn thơ của ông. Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm 1762 Lê Quý Đôn được thăng chức Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, rồi làm Học sĩ ở Bí thư các để duyệt kỷ sách vở.
Lê Quý Đôn là tác giả của nhiều tác phẩm khảo cứu về lịch sử, địa chí, văn hóa Việt Nam. Về lịch sử - địa lý, ông có các tác phẩm: Đại Việt thông sử với 30 quyển ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng. Phủ biên tạp lục (6 quyển), viết xong năm 1776, ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước.
Cuốn Vân đài loại ngữ (9 quyển) được Lê Quý Đôn hoàn thành vào năm 1773, được coi là "bách khoa thư" đồ sộ nhất thời phong kiến Việt Nam. Tác phẩm tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... Vân đài loại ngữ là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.
Trong cuốn Trí thức Việt Nam xưa và nay, tác giả Văn Tân đã nói: "Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn nhất của nước Việt Nam thời phong kiến. Suốt đời ông tỏ ra là một người đọc sách không biết mệt mỏi và viết sách không mệt mỏi".
Câu 5: Người con của đất Thái Bình nào trở thành phi công đầu tiên của châu Á bay vào vũ trụ?