Ðại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục... đều ghi: Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ 12, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Ðịnh) và Lưu Xá (xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá trên lưu vực sông Hồng, sông Luộc. Bởi thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, Trần Hấp (cụ của vua Trần Thái Tông) di chuyển mộ cha và vợ đến vùng đất Thái Ðường - Ngự Thiên thuộc thôn Tam Ðường, xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay và lên bờ định cư.
Dòng họ Trần ở Thái Bình ngày càng lớn mạnh, nhiều người tham gia triều chính, được vua nhà Lý giao cho nhiều công việc quan trọng như: Chương tín hầu Trần Tự Khánh; Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ... Con gái họ Trần là Trần Thị Dung được vua Lý Huệ Tông lập làm Hoàng hậu.
Năm 1211-1224, đất nước dưới thời vua Lý Huệ Tông trở nên loạn lạc, giặc cướp nổi lên như ong, vua lại bị bệnh nặng. Không tìm được minh quân tiếp quản thiên hạ, anh em họ Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung sắp xếp cho công chúa nhà Lý là Chiêu Thánh (8 tuổi) lên ngôi vua. Ngay sau đó, nữ vương được kết hôn với con trai họ Trần là Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng năm 1225. Triều đại nhà Trần bắt đầu từ đây.
Trần Thủ Độ sắp xếp cho Lý Chiêu Hoàng kết hôn cùng Trần Cảnh. Video: VTV.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vương triều Trần được biết đến là triều đại cường thịnh với nhiều bậc hiền tài kiệt xuất như: Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn; Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải; lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; danh sư Chu Văn An; danh tướng Phạm Ngũ Lão... Đây là triều đại đã có chiến công lẫy lừng khi 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.
Trên mảnh đất phát tích và hưng nghiệp ở Hưng Hà (Thái Bình), các vua Trần đã cho xây dựng hành cung Long Hưng - nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại, và Tam Đường - nơi lưu giữ hài cốt các vị tổ triều Trần như: Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng Hoàng Trần Thừa. Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ của các hoàng đế nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông...
Tại Thái Bình ngày nay, đền thờ và lăng mộ các vua Trần được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ học quốc gia. Nơi đây không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu về văn hóa, sử học, khảo cổ học, mà còn là điểm du lịch văn hóa tâm linh. Hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 đến 18 tháng giêng âm lịch.
Ngoài đền Trần, chùa Keo (huyện Vũ Thư) - một trong những ngôi chùa cổ của Việt Nam cũng là điểm đến của du khách khi tới với Thái Bình.
Câu 4: Thái Bình là quê hương của nhà bác học lớn nào?