Thông tin được ông Bình nêu tại hội thảo về thực trạng, giải pháp chương trình khoa học công nghệ quốc gia, tổ chức tại TP HCM, sáng 18/11. Nguyên nhân của sự hạn chế các dự án phía Nam, theo ông Bình chủ yếu do thủ tục hành chính. "Các tổ chức, doanh nghiệp phía Nam mong muốn đưa các sản phẩm ra thị trường nhanh, tuy nhiên các thủ tục trình, duyệt có khi mất từ 7 - 8 tháng. Như vậy có thể làm lỡ việc triển khai các ý tưởng nhà khoa học, doanh nghiệp", ông Bình lý giải.
Lãnh đạo Văn phòng các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia chia sẻ, thời gian tới các chương trình được tái cấu trúc, giảm bớt các thủ tục hành chính, đưa việc triển khai các chương trình, dự án của các doanh nghiệp, nhà khoa học sớm đi vào cuộc sống.
Muốn làm được, ông Bình cho rằng rất cần các mối liên kết chặt chẽ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học để hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và chia sẻ nguồn lực giữa các bên.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thể Hà, đại diện công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ, đơn vị hơn 30 năm sản xuất các thiết bị sấy, xay xát lúa gạo cho biết, doanh nghiệp phía Nam luôn có tính chủ động cao, không phải đơn vị nào cũng trông chờ vào hỗ trợ vốn của nhà nước.
Ông Hà mong muốn ở vai trò nhà nước cần kết nối đặt hàng, vì TP HCM với nhiều đại học, viện nghiên cứu phải là nơi cung cấp công nghệ giúp cơ giới hóa nông nghiệp cho Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Hiện cả nước có khoảng 40 chương trình khoa học công nghệ quốc gia, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 2 quỹ (Nafosted và Natif) cùng 20 chương trình, các chương trình còn lại do các Bộ ngành quản lý. Các dự án tham gia chương trình khoa học công nghệ quốc gia được tài trợ 30 - 70% kinh phí, quỹ Nafosted có thể tài trợ 100% kinh phí. Các chương trình có 3 hướng hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, các dự án sau khi tham gia chương trình có mức tăng trưởng trung bình 20%. Ba chương trình lớn do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý gồm: phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ quốc gia và phát triển sản phẩm công nghệ cao, đã huy động nguồn vốn 4.000 tỷ đồng từ đối ứng doanh nghiệp, nhà nước tài trợ 1.000 tỷ đồng. Các chương trình đã nghiên cứu và thương mại hóa hàng nghìn công nghệ, tạo nhiều việc làm và liên kết vùng cho doanh nghiệp.
Theo ông Bình, các chương trình khoa học công nghệ quốc gia từ nay đến 2030 đang được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu tái cấu trúc theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm với mục tiêu thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ; tập trung vào các doanh nghiệp mạnh, có khả năng thăm dò thị trường, đội ngũ nghiên cứu, nguồn vốn... Mục tiêu hỗ trợ các nghiên cứu tạo ra sản phẩm, thương mại hóa ra thị trường và phát triển ổn định.
Hà An