TS Nguyễn Hải Hữu. |
- Thưa ông, như vậy trẻ lang thang bán báo, đánh giày, vé số... sẽ không nằm trong diện bị đưa về cơ sở bảo trợ xã hội?
- Tôi khẳng định, không có chuyện thu gom trẻ lang thang kiếm sống bằng cách bán báo, đánh giày, bán vé số, bán hàng vặt. Chúng ta không thể gom được hết được bởi đa số các em ra đi từ những hộ gia đình quá nghèo. Xã hội lại chưa bao hết được tất cả phúc lợi xã hội cho những hộ đó. Để duy trì cuộc sống, họ phải mưu sinh bằng nhiều cách, trong đó có việc cho con em lên thành phố kiếm tiền. Vấn đề này phải giải quyết bằng cách khác như hỗ trợ học nghề, tư vấn hồi gia, tạo việc làm..., chứ không thể giải quyết bằng thu gom.
- Hiện các cơ sở bảo trợ xã hội đã quá tải. Nếu phải tiếp nhận thêm nhiều người lang thang xin ăn thì sẽ càng thêm căng thẳng?
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số người lang thang qua các năm đã giảm, nhưng không nhiều. Năm 1999 toàn quốc có 29.434 người, trong đó trẻ em là 23.000. Năm 2001, toàn quốc có 27.963, trong đó trẻ em là 21.016. Năm 2002, các con số tương ứng là: 22.602 và 19.753. TP HCM có nhiều trẻ lang thang nhất với 8.500, Hà Nội có 1.550. |
- Thực ra, số đối tượng này không nhiều. Đến cuối năm 2002, cả nước có khoảng 22.600 người lang thang, trong đó trên 2.000 chuyên đi ăn xin, bới rác tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội và các khu du lịch: Bãi Cháy (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa)...
Mặt khác, sau khi đưa về cơ sở bảo trợ xã hội, đối tượng sẽ được phân loại, đa số được đưa trở về quê. Chỉ một số ít người không có gia đình nhận nuôi dưỡng, trẻ mồ côi mới ở cơ sở bảo trợ.
- Một số địa phương thực hiện việc thu gom quá cứng nhắc, dẫn tới gom cả học sinh. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Phải khẳng định là theo quy định, việc làm này phải được thực hiện rất bài bản như mô hình Đà Nẵng đang làm. Thành phố mỗi sáng trên phát thanh, truyền hình nói rõ quan điểm của các cấp ủy đảng và chính quyền với thông điệp Bạn đừng cho tiền trẻ em lang thang xin ăn mà hãy dành số tiền đó cho trẻ em khuyết tật, mồ côi. Một đường dây nóng được thành lập, nếu phát hiện người ăn xin, đội cơ động sẽ xuống ngay hiện trường để xác minh đối tượng. Nếu đối tượng thừa nhận, hành vi ăn xin sẽ bị lập biên bản và đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Nếu đối tượng không chấp thuận sẽ không bị lập biên bản, nhưng bị theo dõi, chụp ảnh. Với cách làm chặt chẽ như thế, không thể có chuyện người dân bình thường bị bắt nhầm.
Sau khi được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội, đối tượng sẽ được phân loại. Ai có gia đình trên địa bàn thành phố sẽ giao về xã phường quản lý, nếu khó khăn sẽ được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm. Người ở tỉnh nào thì giao về tỉnh đó quản lý và phải cam kết không cho con em mình lang thang xin ăn. Số đối tượng mồ côi, người tâm thần lang thang sẽ được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Trường hợp đối tượng tái phạm sẽ phải ở cơ sở bảo trợ và phải lao động.
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc giải quyết người lang thang chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Thả họ về gia đình hôm trước thì hôm sau họ đã có mặt ở các thành phố lớn. Theo ông, để giải quyết triệt để tình trạng này phải làm như thế nào?
- Phải giải quyết cả đầu đi và đầu đến. Đầu đến là các thành phố, đô thị tiến hành thu gom, phân loại, tổ chức chăm sóc đối tượng..., đó chỉ là biện pháp hành chính, mang tính chất trợ giúp tạm thời. Còn biện pháp ở đầu đi, nơi người lang thang ra đi, mới mang tính cơ bản, giúp họ thay đổi nhận thức, có cơ hội thay đổi cuộc sống. Các địa phương phải giải quyết vấn này một cách quyết liệt, đồng bộ. Nếu chỉ làm mạnh ở TP HCM và Hà Nội thì người lang thang xin ăn sẽ tràn đến Hải Phòng, Nha Trang, Hội An...
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ đề án Giải quyết vấn đề người lang thang xin ăn và trẻ em bới rác (dự trù kinh phí 34 tỷ đồng/năm). Mục tiêu là đến năm 2006 sẽ cơ bản không còn hai đối tượng trên.
- Theo khuyến cáo của Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về chăm sóc trẻ tại cộng đồng tổ chức vào tháng 5 vừa qua tại Stockholm, Thụy Điển thì không nên cách ly trẻ khỏi môi trường gia đình, cộng đồng. Vậy việc đưa trẻ mồ côi, người không nơi nương tựa vào cơ sở bảo trợ xã hội liệu có đi ngược lại khuyến cáo trên?
- Chúng tôi đang thực hiện chủ trương đưa đối tượng sống tại cơ sở nuôi dưỡng tập trung về sống tại cộng đồng, vận động các gia đình có điều kiện nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, không nơi nương tựa về nuôi dưỡng tại gia đình. Trước mắt vận dụng để các đối tượng khi về sống tại gia đình (cộng đồng) vẫn hưởng mức sinh hoạt phí như khi sống ở cơ sở nuôi dưỡng tập trung.
Chúng tôi cũng đang xây dựng đề án Phát triển các hình thức chăm sóc thay thế đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng (2004-2010). Theo đó sẽ nhân rộng các nhà xã hội ở cấp cộng đồng, vận động gia đình nuôi dưỡng, tài trợ, đỡ đầu, nhận con nuôi là trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Nhà nước sẽ có chính sách cụ thể, người nhận nuôi dưỡng sẽ được hỗ trợ một khoản tiền khoảng 200.000-300.000 đồng/tháng.
Hiện nay, các cơ sở bảo trợ cũng cải tiến phương pháp chăm sóc, thay vì để đối tượng ở tập thể như trước kia, thì nay chia thành các gia đình nhỏ. Mỗi gia đình có 15-20 người, được 2-3 nhân viên chăm sóc. Mô hình này tương tự như ở các làng SOS giúp trẻ phát triển tình cảm, không cảm thấy bị cô lập.
Như Trang thực hiện