Khi tôi còn trong bụng mẹ, các anh chị tôi rất không bằng lòng vì họ có em nhỏ. Khi đó chị mới chín tuổi. Lúc tôi gần chào đời, mẹ tôi vẫn còn đang làm ngoài đồng ruộng. Sinh tôi ra, mẹ nằm mê sảng, tôi nằm khóc oe oe... Ghét mẹ mang bầu, nhưng tôi sinh ra ai cũng cưng nựng. Thời ấy còn ăn cơm với cá muối mặn thế nhưng tôi được ăn cháo thịt hầm cà rốt, khi ấy chị vẫn chín tuổi. Thời gian cứ thế trôi, tôi sống ấm no, sung túc bằng những đồng tiền các chị tôi bán rau muống, rau sam, bán cà-rem dạo hàng ngày. Ngày ấy cha mẹ, các anh chị tôi còn lam lũ lắm. Những buổi gặt lúa, nhổ đậu, hái bắp nắng đến chín người. Vậy mà tôi lại đòi đi theo để bắt những chú chim non, để tung tăng bay nhảy, như khám phá những điều mới lạ. Chốc chốc lại ré lên thất thanh, làm cả nhà hoảng hồn, nhưng chỉ là một chú sâu róm đen nhẵn.
Ước chi cuộc sống cứ bình yên như vậy nhỉ! Khi tôi lên năm, chị cũng chỉ mười bốn tuổi. Cha tôi đem hết sách vở ra trước sân, đốt. Vì cuộc sống khó khăn, cha tôi buồn bực. Vài hôm sau, các chị tôi vẫn cố tìm sách để học tiếp. Cứ vậy, vẫn những tiếng la mắng, lâu lâu sách vở lại ở bên kia bờ rào, và anh chị tôi vẫn học. Rồi anh hai quyết định nghỉ học để phụ gia đình. Anh tôi đi hớt tóc. Chị mười lăm, tôi chỉ mới sáu tuổi. Sáng đi học, chiều đi cắt rau bán đến tận tối. Chiều đi học, sáng tắm bò, gặt lúa. Nhiều hôm chị xỉu ngoài đồng vì ăn uống thiếu chất, kiệt sức. Chị thi vào lớp mười rớt. Chị quyết theo anh hai nghỉ học để hai chị còn lại tiếp tục học. Hai anh em vào Gia Lai làm ăn. Hai con người côi cút xa quê ở cái tuổi mười mấy đôi mươi. Nắng, gió, gia đình luôn hiện hữu trong từng lá thư chi chít chữ.
Người con gái mười lăm tuổi, xa mẹ, xa cha, xa ngôi nhà sinh sống, thức đêm thức hôm để buôn bán. Tôi không hiểu được, có lớn thêm tí nữa chắc tôi cũng không hiểu được cái cảm giác cô đơn ấy của chị đâu. Mỗi năm đến Tết, anh chị lúc nào cũng có quà cho tôi. Lúc thì quần áo đẹp, lúc thì dây chuyền dễ thương, và cả những cô búp bê xinh xắn nữa. Có lẽ lúc đó, chắc chị cũng còn thích búp bê, vì chị chưa bao giờ được chơi. Ba năm ở Gia Lai, không dài, nhưng cũng không quá ngắn để chị đủ lớn để đưa ra quyết định táo bạo. Chị quay về quê để tiếp tục chương trình học dở dang. Nhưng không phải chỉ học, chị mở quán bán cà phê, không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn nuôi các chị vững bước trên bục giảng đường.
Chị theo học lớp bổ túc trên thị trấn, cách một tiếng rưỡi đi xe đạp từ nơi chị buôn bán đến nơi học. Mười hai giờ đêm chị còn lui cui dẹp bàn ghế, lau dọn sạch sẽ. Ba giờ sáng, chị vẫn còn thức. Chị đang học bài, học những gì chị đang dang dở. Tỉnh khi ngủ, ngủ khi học, nhật ký đêm khuya của chị luôn trằn trọc những suy tư. Dù vẫn hay ngủ gật, nhưng chị là thành viên ưu tú thi học sinh giỏi và được thầy cô yêu mến. Ngày nào trôi qua cũng vậy, làm việc xong là học bài đến gần sáng, rồi lại thui thủi đạp xe đi đi về về. Ba năm, chị cũng đã phụ giúp các chị, tự nuôi bản thân và cũng đã bước vào giảng đường cao đẳng. Dù không phải đại học, nhưng chị tôi cũng đã vui vì được như bao người học tập.
Cuối cùng, chị cũng không xấu hổ vì không được như người ta, chị cũng là người có tri thức chứ không phải sống rồi chết trong một mớ thứ đồ buôn bán hỗn độn, không biết thế giới bên ngoài. Khó khăn này đến khó khăn kia chồng chất, tiền học phí, tiền sinh hoạt chật vật. Nhiều khi trong túi còn đúng mười nghìn đồng, chị định ăn mì tôm cho đỡ tiền. Nhưng vào quán, gói mì tôm người ta lấy 10.000 đồng không hơn không kém. Chị đã sống mạnh mẽ như vậy để qua khỏi những năm tháng cơ cực. Chị ra trường, xin việc làm, nuôi cha mẹ và nuôi tôi. Chị đã vực tôi dậy khi cuộc đời tôi tăm tối nhất. Chị dạy cho tôi biết đam mê. Nó đơn giản chỉ là làm hết sức mình có thể, hy sinh một cách mãn nguyện để cho gia đình những thứ tốt đẹp nhất.
Vì tôi chưa bao giờ nói, nên tôi viết lên đây cho chị đọc, chị sẽ hiểu những gì tôi ấp ủ. Cuộc sống vẫn vậy, nhưng chị đã ba mươi và chị tôi vẫn chưa lấy chồng...
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Phạm Thị Hồng