Năm tôi vừa lên ba, bố mẹ mất. Tôi và chị bỗng nhiên trở thành những đứa trẻ mồ côi chỉ sau một đêm. Tôi lúc ấy, hôm nào cũng lẽo đẽo theo chị và khóc đòi mẹ...
Nơi tôi ở là một khu phố lụp xụp, leo lắt ánh sáng của những bóng đèn dầu bám đầy bụi. Cái nghèo đói bám riết lấy những con người khốn khổ nơi đây, nên nhìn gương mặt ai cũng đầy vẻ rầu rĩ, xơ xác như đám lá rụng. Thương bọn tôi còn nhỏ, dì mang hai chị em về cưu mang nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, chị dắt tôi lẳng lặng quay về.
Nhà bà dì tôi có tận 5, 6 đứa trạc tuổi nhau, cũng ốm deo ốm dắt, thêm hai miệng ăn chúng tôi lại khốn khó hơn. Chị tôi biết nên chẳng dám nhờ nữa. Từ hôm đó là chuỗi ngày ròng rã ăn bo bo trợ cấp thay cơm, nhiều khi tắc nghẹn ở cổ đến trào cả nước mắt. Vậy nên, xót em, đều hai bữa, chị tôi ngụp xuống hết sông này, mương nọ mò cua, bắt cá, tiện thỉnh thoảng xin được ít rau của một bà lão cuối xóm, để mang về nấu cho tôi ăn đổi bữa. Những con cá bằng hai ngón tay, kho mặn chát xít.
Nhà còn mảnh vườn nhỏ, chị trồng khoai. Vào những ngày mưa nhiều, không đi đâu được, chị nhóm bếp từ đống củi ướt nhẹp vùi cho tôi vài củ khoai nóng. Chẳng biết có phải vì khói bếp hay không mà mắt tôi lúc ấy cứ cay cay.
Cứ thế tôi lớn lên trong vòng tay của chị. Vì cặm cụi nuôi tôi, chị tôi dang dở việc học. Tôi ra trường, tìm được một công việc tạm gọi là đủ ăn trên thành phố. Những lần về nhà của tôi ít hơn. Bẵng đi một thời gian, tôi lập gia đình, còn chị tôi khi ấy, vẫn ở vậy. Lần về quê gần nhất, tôi khuyên nhủ chị mỏi miệng lên sống cùng vợ chồng tôi cho dễ bề chăm sóc, chị lắc đầu nguầy nguậy.
Lúc đó tôi mới để ý, chị tôi đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của thời gian. Đầu chị đầy những sợi tóc bạc và da chị rặt lấy vết chân nhăn. Chị không còn trẻ nữa. Cô gái má hồng, môi thắm biết bao chàng để ý, chọc ghẹo cũng không còn. Cái thời duyên thắm và chờ mong của chị qua rồi. Chị bây giờ chỉ còn là người đàn bà quá thì, tần tảo sớm hôm. Ôm chặt chị, cảm nhận hơi ấm từa tựa mẹ tôi ngày trước, nước mắt tôi cứ rơi mãi không thôi...
Phạm Hoàng Trọng
Từ ngày 3 đến 30/10, độc giả chia sẻ về người phụ nữ bạn luôn yêu thương và trân trọng nhất, hoặc tham gia bằng cách viết về chính mình nếu bạn có một câu chuyện truyền cảm hứng muốn lan tỏa đến những người xung quanh, để có cơ hội nhận bộ trang sức PNJ. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 500 - 1.000 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất 1-3 hình ảnh minh họa là nhân vật người phụ nữ được nói đến trong bài.