Thủy nhẩm tính, bố mẹ chàng là cán bộ về hưu ở tỉnh, nhà có hai anh em trai, với mức lương đó thì không biết bao giờ anh mới có được nhà đất ở Sài Gòn, vì vậy cô quyết định chấm dứt sớm trước khi kịp yêu sâu sắc.
28 tuổi, khá xinh xắn với làn da trắng hồng và môi đỏ mọng, dáng đẹp, ba vòng chuẩn, được nhiều anh theo đuổi, nhưng Thủy vẫn một mình. Các chàng trai không qua được "vòng hồ sơ" vì túi tiền không được như cô mong ước. Lương nhân viên một công ty truyền thông tại TP HCM của Thủy được 9 triệu mỗi tháng, vừa đủ cho cô tiền thuê nhà, mua sắm vài bộ quần áo, ngồi lê la quán xá, ăn tiêu lặt vặt, tháng nào muốn đi du lịch thì phải bóp mồm bóp miệng. Chả mấy khi cô có tiền dư trong tài khoản. Cô quan niệm thà ế còn hơn lấy chồng nghèo, kẻo về sống chung lại suốt ngày cãi nhau vì tiền.
“Em không đòi hỏi chàng phải là đại gia, thiếu gia gì, nhưng ít ra cũng phải lo được cái nhà sau khi cưới để không phải đi thuê, đủ tiền lo cho con học thêm học nếm, vợ chồng cưới xong phải đi du lịch đây đó, cuối tuần đi ăn nhà hàng... Lấy chồng mà cuộc sống vẫn chật vật thì ở một mình còn hơn”, Thủy kể.
Cũng vì quan niệm loại ngay từ đầu để khỏi mất công nên Thủy từng để xổng mất một "con cá to". Cách đây 3 năm, một anh chàng đồng nghiệp rất ngưỡng mộ Thủy, chàng hai lần tỏ tình với cô. Thủy cũng mến chàng vì cảm nhận được chàng là người tốt tính và lại rất chiều chuộng cô. Tuy nhiên, vì biết thu nhập của chàng không cao, thậm chí còn thấp hơn mình, trong khi gia cảnh chàng bình thường, bố mẹ ly dị, ba mẹ con chàng sống trong một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu, chàng đi xe máy liên doanh cũ, nhiều khi không có nổi 100.000 đồng trong túi, cô chủ động giữ khoảng cách ở mức bạn bè.
Vấp phải sự lạnh lùng của Thủy, chàng quyết định quay lại với cô bạn cấp ba lúc nào cũng chào đón mình. Sau đám cưới, chàng mua nhà, mua ô tô, chuyển sang làm trưởng phòng ở một công ty lớn. Hóa ra bố chàng là chủ tịch hội đồng quản trị công ty đó. Thủy không khỏi ngậm ngùi, khóc mấy đêm sau khi biết mình bỏ lỡ cơ hội bước chân vào nhà giàu. Tuy nhiên, bài học đó vẫn chưa đủ để giúp cô không đặt vấn đề tiền bạc lên trên cảm xúc, vẫn chưa quyết định mối quan hệ với chàng nào.
Minh Hằng (nhân viên một ngân hàng tại TP HCM) chia tay mối tình đầu khởi nguồn từ thời sinh viên với lý do người yêu nghèo quá. Sau 5 năm đi làm, chàng vẫn chỉ là một anh kỹ sư trong một công ty thực phẩm với mức lương chưa phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Cộng cả khoản thưởng cuối năm hay khoản tiền bớt ra được trong mỗi chuyến công tác, tính bình quân mỗi tháng, chàng được khoảng 9 triệu. Nghĩ đến tương lai sau cưới, phải thuê nhà không biết đến bao giờ, hoặc phải chi tiêu tằn tiện, Hằng nói lời chia tay. Một năm sau, cô kết hôn với giám đốc một công ty trang trí nội thất, vốn là khách hàng quen biết của ngân hàng.
Cả chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Bắc (Tổng đài tư vấn 1088, Bưu điện TP HCM) và giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM) đều thừa nhận dù không thể là yếu tố quyết định thì đồng tiền vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong hôn nhân. Đã qua rồi cái thời mà người ta lý tưởng hóa tình yêu "Một túp lều tranh, hai trái tim vàng". "Có tiền mới có thể duy trì cuộc sống gia đình", giáo sư Hiền cho biết. Còn chuyên gia Kim Bắc thì nhắc lại câu tục ngữ "có thực mới vực được đạo". "Nếu khó khăn cứ đeo đuổi mãi cũng có thể khiến tình yêu ra đi. Kết hôn xong mà nghèo mãi khiến người trong cuộc cảm thấy nản, giống như một người lữ khách, cứ đi hết quả núi này đến quả núi khác, không biết đến bao giờ mới được nghỉ nên người ta muốn bỏ cuộc", bà Kim Bắc ví von.
Theo bà, mong muốn lấy chồng giàu của các cô gái là một tâm lý rất bình thường và chính đáng bởi “gái ham tài, trai ham sắc”, cặp đẹp đôi là những cặp "trai tài gái sắc". Đàn ông giàu thường là những người tài. Bà Kim Bắc đặc biệt tâm đắc một phát ngôn của Jack Ma, người sáng lập Alibaba, sàn giao dịch điện tử lớn nhất Trung Quốc: “Nếu đến 35 tuổi mà bạn chưa giàu thì lỗi là ở bạn”.
"Nói chung giàu sẽ luôn gắn với tài, vì thế việc một cô gái ham chồng giàu thì chẳng có gì đáng phải lên án", bà Kim Bắc đồng cảm, đồng thời cho rằng con người nhìn chung ai cũng có đam mê vật chất, tiền tài, có con người là có lòng tham - tham ở đây không hoàn toàn là nghĩa xấu.
Tuy nhiên, khi so sánh với những năm 1960, 1970, 1980, bà Kim Bắc thấy hiện nay giá trị vật chất đang bị đề cao quá mức trong xã hội cũng như trong tình yêu và hôn nhân. Các cô gái ngày nay chọn người yêu và chồng thực dụng hơn rất nhiều. Tất nhiên, một cô gái thông minh sẽ biết xem xét vì sao mà chàng trai giàu, chứ không bất chấp tất cả. "Tuy nhiên, nếu chỉ lấy tiền bạc để làm tiêu chí chọn người yêu và chọn chồng thì không nên chút nào. Người ta chỉ có thể yêu nhau khi có rung động thực sự, có cảm xúc, cảm thấy tin cậy, được tôn trọng và được an toàn. Tình yêu luôn là điều kiện cần của hôn nhân", bà Bắc cho biết.
Giáo sư Hiền bổ sung những cô gái nếu chọn người yêu và chồng chỉ dựa vào tiêu chí tiền bạc vật chất thì đó không phải là tình yêu thật. Đặc biệt, quan niệm "thà khóc trong xe hơi còn hơn cười trên xe máy" là một quan niệm sai lầm. Bởi khi hạnh phúc, khi được chia sẻ, con người ta có thể làm ra của cải vật chất, trong khi đó, vật chất không thể làm ra con người. Ông cho rằng, quá coi trọng vật chất là một hiện tượng đáng báo động của xã hội hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng dẫn nhau ra tòa cũng chỉ vì quá đề cao vật chất.
"Đồng tiền rõ ràng rất quan trọng nhưng nó phải có nguồn gốc rõ ràng, không phải từ trên trời rơi xuống. Các cô gái mong lấy chồng giàu để bản thân giàu thì chỉ là giàu ảo. Lúc đầu, mới kết hôn có thể rất vui vẻ hạnh phúc, nhưng sau đó cô gái sẽ thấy chới với bởi bản thân không đủ tầm để sống ở điều kiện vật chất cao. Chưa kể, nhiều cô gái nghèo lấy chồng giàu sau đó sẽ cảm thấy tủi nhục, uất ức khi thấy cha mẹ chồng khinh khi cha mẹ mình, hoặc chính bản thân mình bị gia đình nhà chồng coi thường", ông Hiền cảnh báo.
Bản thân Minh Hằng cũng thấm thía điều này. Ngày về nhà chồng, nghe loáng thoáng một số người ở đằng trai bảo cô chuột sa chĩnh gạo, hay cám cảnh đường về nhà gái phải qua mấy chuyến đò, đường quê lầy lội, cô cảm thấy rất tủi thân. Mẹ chồng nghe họ hàng nói vậy cũng không thấy vui, nên càng dè chừng con dâu sợ "đào mỏ". "Thu nhập của em không thấp so với mặt bằng chung nhưng thực sự không thấm vào đâu so với tài sản và thu nhập của chồng vì thế vẫn bị mẹ chồng coi thường", Hằng uất ức. Vấn đề kinh tế đôi khi khiến cô thấy xa cách với chồng.
Theo giáo sư Gia Hiền, một cuộc hôn nhân đẹp trước hết phải dựa vào tiêu chí tình yêu, có tình yêu thật. Nếu có điều kiện vật chất nữa thì quá tốt, còn nếu không có thì cũng không nên lấy đó làm buồn. Bởi có tình yêu, con người có thể làm ra của cải.
Kim Anh