15h ngày 14/10, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai họp bàn cách đối phó với bão Khanun - cơn bão thứ 11 ở biển Đông.
Bão tương tác với không khí lạnh
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h ngày 14/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590 km về phía đông đông bắc, sức gió mạnh nhất là 115 km/h (cấp 10-11), giật cấp 13.
Đêm nay và ngày mai, bão theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và còn mạnh lên. Đến 16h ngày mai, tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 280 km về phía đông với sức gió tối đa 135 km/h (cấp 12), giật cấp 15.
Nhận định về cơn bão, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường hai lần dùng cụm từ “trách nhiệm và dũng cảm”. Bởi đang có đợt không khí mạnh sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong 1-2 ngày tới. Việc tính toán thời điểm bão và không khí lạnh gặp nhau rất quan trọng vì có thể làm thay đổi hướng đi, cấp độ bão.
Theo ông Cường, cơ quan khí tượng Việt Nam và các đài nước ngoài đều dự báo bão tiếp tục đi lên hướng bắc, sau khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) sẽ vào vịnh Bắc Bộ và chếch xuống phía nam. Tuy nhiên, cấp độ bão các đài nước ngoài lại dự báo khác nhau. Có đài cho rằng bão có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào Việt Nam.
“Với tinh thần trách nhiệm cao và dũng cảm, chúng tôi đưa ra nhận định bão mạnh nhất trước khi vào đảo Hải Nam. Khi vào vịnh Bắc Bộ, bão sẽ suy yếu còn cấp 7-8. Vùng ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Quảng Trị", ông Cường nói.
Dù bão suy yếu cũng không được chủ quan
Đã đến điểm sạt lở ở thôn Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình), thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, chia sẻ: "Tôi không thể hiểu được vụ sạt lở đó diễn ra thế nào. Lịch sử chưa có vụ lở đất nào đưa hàng chục nghìn m3 đất đá ụp xuống rồi lại đưa hàng nghìn m3 đất đá văng đi vùi cả 4 ngôi nhà. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống”.
Tướng Nghĩa cho biết, hiện vẫn còn nhiều người mất tích, một số vùng vẫn bị cô lập chia cắt, sạt lở còn có nguy cơ tiếp diễn. Vì thế, cần tranh thủ thời gian trước khi bão ảnh hưởng để tập trung cao độ tìm kiếm người mất tích.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải thông tin, hiện vẫn còn 126 xã chưa cấp được điện do mưa lũ cô lập, chia cắt. Khi giao thông, ngập lụt được khắc phục đến đâu, tập đoàn sẽ cấp điện lại ngay đến đó.
Đối phó với cơn bão mới, các hồ chứa lớn hiện đã điều tiết hạ thấp mực nước. Theo Tổng cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, nguy cơ lại nằm ở những hồ nhỏ vì hệ thống cảnh báo, bờ bao không kiên cố. Để đảm bảo an toàn, cần triển khai các lực lượng xung kích xử lý các nguy cơ tại chỗ.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc vừa trải qua đợt mưa lũ kỷ lục, có nơi cao hơn đỉnh lũ năm 1985 nên chỉ cần một đợt mưa với lưu lượng 100-200 mm cũng gây hậu quả khôn lường.
Do có nhiều hình thái tác động nên chưa thể khẳng định chính xác hướng đi, cấp độ của bão Khanun, các địa phương cần chuẩn bị ứng phó với tinh thần cao nhất, chủ động nhất, phải tổng kiểm tra công trình hồ đập, vì qua mùa khô năm 2016 và những trận mưa lớn năm 2017, hồ nào có “bệnh tật sẽ biểu hiện hết”.
Khanun là cơn bão thứ 11 ở biển Đông. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 2 cơn bão và áp thấp có thể ảnh hưởng đến Trung Bộ và Nam Bộ.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11/10. Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Đến hôm nay, mưa lũ làm 60 người chết, 37 người mất tích, chủ yếu ở Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa. |