Chiến dịch tiêu hủy phần mềm lậu ở Moscow (Nga) hồi tháng 5/2005. |
Sau khi khảo sát tại 70 nước, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) khẳng định nếu giảm 10% tỷ lệ vi phạm bản quyền (hiện nay khoảng 35%), thế giới sẽ có thêm 2,4 triệu việc làm mới, tăng 400 tỷ cho hoạt động kinh tế toàn cầu và bổ sung 67 tỷ USD từ thuế vào ngân sách các quốc gia.
Theo BSA, những nước có mức sử dụng phần mềm lậu cao lại là nước hưởng lợi lớn nhất nếu hạn chế được tình trạng này. Ví dụ Trung Quốc có thể tạo ra 2,6 triệu công việc mới và số việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin Nga cũng tăng gấp ba khi giảm bớt 10% chương trình bất hợp pháp.
"Khi một quốc gia kiểm soát chặt phần mềm lậu, lợi ích sẽ tăng lên cho chính người dân nước đó", Robert Holleyman, Chủ tịch BSA, nói. "Người lao động có thêm việc làm, người tiêu dùng mở rộng cơ hội lựa chọn, doanh nhân tự do phân phối sản phẩm sáng tạo, trong khi ngân sách chính phủ đầy lên nhờ nguồn thu từ thuế".
John Gantz, Giám đốc nghiên cứu của hãng IDC, khẳng định: "Đại lý bán lẻ, kênh phân phối dịch vụ, cài đặt, triển khai và đào tạo sẽ hình thành nên một thị trường với lợi nhuận lớn hơn nhiều so với bản thân giá trị gói phần mềm".
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tình hình không có nhiều tiến triển so với một năm trước đây. Việt Nam vẫn đứng đầu với 92%, Ukraine (91%), Trung Quốc (90%), Indonesia và Nga (87%), Kazakhstan (85%) và Serbia-Montenegro (81%). Đài Loan và Italy là những điển hình xuất sắc trong việc hạn chế phần mềm lậu.
Về mặt khu vực, châu Mỹ Latin chiếm tỷ lệ cao (66%), Trung Đông và châu Phi là 58%, tiếp theo là châu Á 53%. Trong khi đó, Bắc Mỹ đạt mức thấp nhất 22% còn châu Âu 35%.
P.T. (theo AFP)