Có lần tôi được xem một clip nói về vấn đề xã hội hóa toàn cầu, đến bây giờ trong tâm trí tôi vẫn bị ám ảnh bởi khuôn mặt của những cô cậu bé da đen với đôi mắt trong, nhưng lại bị ánh lên bởi sợ hãi và khổ đau. Bọn trẻ chính là nạn nhân bị bắt cóc của nô lệ tình dục, bị bắt làm binh lính, cuộc sống chỉ quẩn quanh trong sự cùng đường trốn chạy, mong muốn dù chỉ là có cuộc sống tự do. Đó là số phận chung của hơn 30.000 trẻ em ở châu Phi vào thời điểm đó. Jacob nằm trong số đó. Jacob kể tôi nghe trong nước mắt rằng “Tốt hơn hết là hãy giết tôi đi, đối với chúng tôi bây giờ không muốn sống nữa, mà chẳng có ai quan tâm chúng tôi. Chúng tôi không được đi học, làm sao có thể sống được trong tương lai cơ chứ”. Câu nói mà tôi không bao giờ có thể quên đó đã đặt ra cho tôi một câu hỏi "Tôi đã sống ra sao và đã làm được gì? Tôi có ước mơ cho riêng mình chưa khi mà tôi được sống trong môi trường giáo dục đầy đủ, tuổi thơ không phải lo cảnh đói nghèo và sợ hãi như Jacob?". Tôi cần có ý chí và đam mê.
![anhduthi-1410338128-9217-1410490889.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2014/09/12/anhduthi-1410338128-9217-1410490889.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8KXshJYOXL1FQllfpytOOA)
Cũng như bao đứa trẻ khác, tôi có tuổi thơ trong trẻo nhưng không mấy yên bình, khi mà cuộc đời tôi là những chuyến đi, trải nghiệm và lớn lên từng ngày.
Thuở bé, tôi cùng bố mẹ sống ở một vùng đảo nhỏ nằm ở cực nam tổ quốc. Biển thì bao la mà tôi thì nhỏ bé. Tình yêu thương gói gọn trong căn nhà tập thể cũ dành cho cán bộ là nơi tôi chập chững những bước chân đầu đời. Bố tôi là một giáo viên lịch sử, tham gia giảng dạy cho trường trung học phổ thông ở huyện đảo. Ngày ấy vật chất thiếu thốn, mẹ cũng phải làm thêm vất vả, nửa giành cho công việc, nửa giành để mắt trông chừng sự hiếu kỳ của đôi chân con trẻ. Thế nên, tuổi thơ tôi là những buổi chiều lon ton theo bố đến cổng trường, từng bài giảng bố viết ra cũng là những con chữ giản đơn đầu tiên tôi được học. Đôi khi mắt mũi tèm nhem nước, áo quần bẩn vì nghịch dại, nhưng chẳng hiểu vì sao những trò chơi của trẻ con xóm biển cũng không thể kéo tôi đi mỗi khi bố cất tiếng giảng bài. Sự mơ hồ trong đầu óc non nớt của tôi cũng không đủ định hình cho hiểu hết những gì bố đang nói, nhưng ánh mắt sáng ngời của các anh chị ngồi trong lớp học ấy cũng làm cho tôi cảm thấy thích thú biết bao nếu sau này mình được làm cô giáo.
Thế là tôi quyết tâm tập đọc và tập viết thật giỏi với ý nghĩ rằng: “Thằng Tí sau này làm công nhân đem điện về đảo được thì mình cũng là người tiếp theo đem cái chữ về đảo, dù là hậu duệ cho bố thôi cũng được”. Niềm ước ao giản đơn ấy đã chạy cùng tôi dọc bãi cát vàng cháy nắng và mái tóc vàng hoe mặn mòi hương biển, ngoài kia sóng vẫn vỗ dạt dào…
Chừng mười năm sau, dù có yêu quý đến đâu cũng là lúc tôi phải chia tay đảo để cùng gia đình về quê gốc ở miền Trung xa xôi… Tiềm thức về ước mơ ngày ấy đặt tiền đề cho tôi phấn đấu học tập. Sự nghiêm khắc và sự uốn nắn dạy dỗ của bố càng làm tôi cố gắng hơn để đạt được hiệu quả như mong đợi. Tôi lớn lên theo bóng nắng và tháng ngày. Hàng ngày đi học băng qua cánh đồng, tôi thấy cảnh khổ của người nông dân trông chờ mùa vụ. Băng qua xóm làng, tôi nghe những điệu bài chòi mộc mạc như hát cho niềm kiêu hãnh trong khắc nghiệt và bao dung. Những tháp cổ rêu phong ưu tư vào miền cô tịch, những đường ra thị trấn trải bê tông rồi đổ nhựa ra đường cái. Những nhà nhà ngói mới xây xong tiếp nối những cao tầng. Mảnh đất ấy đang thay đổi từng ngày, công nghệ thông tin càng hiện đại... tất cả đều đẹp dưới ánh nhìn mới mẻ của lứa tuổi chớm vào đời.
Tôi ước gì mình có thể ghi lại tất cả đang xảy ra, chụp lại những khoảnh khắc đẹp của cảnh sống thường ngày. Tôi có thể giới thiệu nét văn hóa truyền thống đâu đó còn sót lại ngay trong làng quê. Tôi trăn trở với hy vọng làm sáng lên những cảnh đời vượt khó và thế rồi, ước mơ lớn hơn đem “cái chữ” về đảo ngày xưa chính là đưa thông tin mới mẻ và kiến thức sâu rộng đến hết thảy mọi người. Tôi quyết tâm thi vào trường báo.
Những ngày ôn thi là khoảng thời gian phấn đấu vô cùng. Giấc mơ đỗ đại học là niềm hy vọng của bố mẹ đặt vào. Không ít khi tôi nghe những ý kiến trái chiều về con đường mà tôi đã chọn. Người ta bảo "Con gái làm báo là cả một thử thách và cho đi cả một khoảng đời, nghĩa là phải biết chấp nhận cả những hiểm nguy mà nó mang lại, nghĩa là phải chấp nhận nỗ lực gấp ba, bốn lần". Nhưng cuộc sống còn quá nhiều khuất lấp mà người ta vô tình bước qua nhau, tình yêu thương, sự đồng cảm và cảnh nghèo làm tôi ý thức cho chính hành động của mình, thế nên tôi biết mình cần phải nổ lực hơn như thế nào trong những ngày sau đó.
Giờ đây, tôi đã trải qua hơn một năm học tập tại Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuổi hai mươi dạt dào hoài bão nhắc nhớ tôi những đam mê đang tiếp tục hình thành. Con đường tôi đi sẽ khó, biết khó mà vẫn đi, những nhiệm vụ cao cả cho tuổi trẻ đất nước mà tôi đang song hành chắc chắn sẽ làm được. Những mong mỏi và trông chờ của người thân, gia đình và ý thức tiến lên xã hội văn minh giàu đẹp, không còn những cảnh đời đói khổ bất công, những tiến bộ mới được sẻ chia cho cộng đồng sẽ làm động lực cho tôi bước tiếp trên “chặng đường không trải hoa hồng”. Tôi cảm thấy mình may mắn hơn những số phận ngoài kia và vinh hạnh hơn khi tôi được trực tiếp mang trong mình sứ mệnh cao cả. Tôi sẽ trở thành nhà báo giỏi, chỉ cần tôi “sống với đam mê”…
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Trần Hoàng Tiểu Ngọc