Đây là mức giá cao nhất tại một cơ sở chuyên tổ chức tang lễ cho thú cưng tại Bắc Kinh. Sau khi tham khảo, Lý Bình quyết định chọn gói rẻ hơn với các dịch vụ như hỏa táng, cúng 7 ngày, in dấu chân cùng một phần lông hoặc móng chân được giữ lại để làm kỷ niệm cho chủ với chi phí 4.000 tệ (14 triệu đồng). Ngoài ra, còn dịch vụ điêu khắc chân dung thú cưng đã mất, giá lên tới 19.000 tệ (66 triệu đồng).
Cơ sở này có các khu chức năng như khu tiếp đón, phòng chia tay vĩnh hằng theo phong cách phương Đông hoặc phương Tây, khu tụng kinh cầu nguyện và khu chế tác đồ lưu niệm.
Gói dịch vụ tang lễ cho thú cưng tại cửa hàng được chia làm ba cấp độ, tương ứng 1.500 tệ (5,2 triệu đồng), 4.000 tệ (14 triệu đồng) và 10.000 tệ (35 triệu đồng).
Nhân viên cửa hàng cho biết, việc hỏa táng thực hiện ở vùng ngoại ô, khách hàng có thể đi cùng hoặc xem video sau đó.
Sách trắng về ngành công nghiệp thú cưng Trung Quốc năm 2025 cho hay, số lượng chó cưng tăng trung bình 1,1% mỗi năm, hiện có khoảng 51,75 triệu con; mèo cưng tăng 6,8%, đạt 70 triệu con.
"Sự tăng trưởng này thúc đẩy thị trường tang lễ thú cưng", báo cáo cho biết. Tính đến tháng 4/2024, có 5.148 công ty kinh doanh tang lễ cho thú cưng, trong đó 1.329 công ty làm dịch vụ tương tự được thành lập hai năm qua ở Trung Quốc.
Là người sáng lập công ty mai táng thú cưng có tên Mao's Memory Castle tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Bạch Linh, ngoài 30 tuổi cho hay có hai xu hướng khiến công việc của cô ngày càng phát triển. Một là giới trẻ ngày càng không muốn sinh con, hai là dân số già hóa nhanh dẫn tới việc nuôi thú cưng làm bầu bạn được ưa chuộng.
"Khách hàng chính của chúng tôi là nhân viên văn phòng độc thân, thường xuyên làm thêm giờ hoặc các 'bà dì'. Họ đối xử với thú cưng như thành viên trong gia đình, thậm chí như con cái", Bạch Linh nói.
Cơ sở của người phụ nữ này mỗi tháng tổ chức hơn 260 đám tang và số lượng tăng đều hàng năm. Bạch Linh còn chế tác những đồ lưu niệm như vòng tay, vòng cổ, móc khóa từ tro xương, lông hoặc móng chân thú cưng để gửi lại cho chủ nhân lưu giữ làm kỷ niệm.
Tháng 9 năm 2023, Tiểu Vũ, sống tại Hàng Châu mua một gói cơ bản trị giá 800 tệ để chia tay chú chó Momo tại cửa hàng của Bạch Linh. Chàng trai rất hài lòng với các dịch vụ tang lễ mà cửa hàng đã thực hiện, gồm vận chuyển thi thể bằng ô tô riêng, trang điểm lần cuối, hỏa táng và biến tro cốt thành quà lưu niệm.
"Thời điểm tôi liên lạc với cửa hàng, Momo đang bị bệnh nặng và nhân viên đã an ủi tôi rất nhiều", anh nói. Điều này khiến Tiểu Vũ cảm thấy đồng tiền bỏ ra xứng đáng.
Tuy nhiên không phải ai cũng hài lòng. Nhiều người tiết lộ, quà lưu niệm trong cửa hàng tang lễ thú cưng đắt gấp 3-4 lần so với trên mạng. Ngoài ra, vì nhiều người không muốn đặt tro cốt thú cưng tại nhà, họ phải trả phí lưu trữ tạm thời hoặc hàng năm, dao động từ vài trăm đến hàng nghìn tệ.
Tháng 10/2024, sau khi làm tang lễ cho chó cưng, Lý Bình lên trang cá nhân tố cửa hàng đã lừa mình. Lý cho biết, sau khi thú cưng hỏa táng, cô được nhân viên gợi ý để tro cốt thú cưng ở lại cửa hàng cúng 49 ngày. Mỗi ngày nhân viên sẽ thay đồ lễ khác nhau, khách chịu thêm chi phí này nhưng lại không được thông báo đầy đủ.
"Tôi nghĩ chỉ phải đóng tiền đặt chỗ trong 49 ngày. Còn đồ lễ, đồ chơi thay đổi hàng ngày đều nằm trong gói đó", Lý nói. Cuối cùng ngoài chi phí cố định, Lý còn phải trả thêm 2.500 tệ (8,7 triệu đồng) cho đồ tang lễ, đồ lưu niệm cho thú cưng trong thời gian cúng tế.
Không chỉ vậy, cô có cảm giác bị lừa đảo khi nhân viên cửa hàng khẳng định sẽ đặt khung ảnh in bàn chân thú cưng đã mất cạnh phần tro cốt trong những ngày làm lễ, tuy nhiên họ đã không thực hiện. Phía cửa hàng sau đó "chữa cháy" bằng cách tuyên bố: "Có nhầm lẫn trong việc báo giá".
Vì không muốn mang tro cốt thú cưng về nhà, phía cửa hàng cũng đưa ra hai lựa chọn cho khách hàng. Một là chôn cất trong một ngôi chùa với phí mua đất 5.999 tệ (21 triệu đồng), phí duy trì 365 tệ (1,3 triệu đồng) mỗi năm. Lựa chọn thứ hai là chôn dưới gốc cây tại chính điện hoặc sảnh phụ của chùa với giá lần lượt là 3.800 tệ (13 triệu đồng) và 4.800 tệ (16,7 triệu đồng).
Khi biết được mức giá này, bà Lý phải thốt lên "Cảm giác người làm dịch vụ tang lễ cho thú cưng chỉ nghĩ đến tiền".
Tại Trung Quốc, tổ chức tang lễ cho thú cưng vốn không được coi là ngành nghề chính thức, nằm trong "điểm mù" của luật pháp và các quy định liên quan. Hầu hết các cửa hàng tổ chức tang lễ cho thú cưng đều chưa nhận được chứng chỉ liên quan đến phòng chống dịch bệnh, quy định về việc hỏa táng hay mai táng có gần khu chung cư đông người hay không... Ngoài ra, mỗi nơi lại có một mức giá khác nhau.
Hà Kiện, giám đốc một công ty luật tại tỉnh Hà Nam cho hay, "lo hậu sự" cho thú cưng phần nào giúp giảm thiểu và hạn chế được vấn nạn vứt xác chó, mèo chết bừa bãi tại Trung Quốc, dù vậy hiện nay vẫn còn thiếu minh bạch trong khâu quản lý.
Vy Trang (Theo qq)