Liên quan tới vụ bác sĩ của Thẩm mỹ viện Cát tường vứt xác bệnh nhân (tử vong sau khi nâng ngực, hút mỡ) xuống sông để phi tang, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường chiều 23/10 cho biết, Thẩm mỹ viện Cát Tường không được Sở Y tế cấp phép trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Cơ sở này mới được cấp giấy phép kinh doanh về chăm sóc sắc đẹp từ tháng 5/2013, song đã lợi dụng sự nhầm lẫn của khách hàng để thực hiện các kỹ thuật lớn.
Theo ông Cường, thực tế hiện nay, nhiều người nhầm lẫn giữa hai loại dịch vụ là phẫu thuật thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp.
Các trung tâm chăm sóc sắc đẹp (đôi khi còn gọi là thẩm mỹ viện) chỉ làm dịch vụ như massage mặt, trang điểm, làm tóc..., không được sử dụng các thủ thuật gây xâm lấn, chảy máu như xăm môi, xăm mi, nâng ngực. Theo tiến sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM, những dịch vụ này chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng chỉ học nghề… đăng ký ở phòng kinh tế quận, huyện hoặc nếu với cơ sở lớn hơn, ở quy mô công ty thì phải đăng ký ở Sở Kế hoạch Đầu tư, không thuộc vào lĩnh vực y tế quản lý.
Sở Y tế sẽ quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm bệnh viện và phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ.
- Những phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ phải có bác sĩ phẫu thuật, trang thiết bị chuyên dùng và được Sở Y tế cấp phép hành nghề theo quy định cấp phép hành nghề y dược tư nhân. Theo thông tư 41 của Bộ Y tế, phòng khám loại này chỉ được thực hiện: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai; không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, nâng vú, thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể.
- Tất cả dịch vụ thẩm mỹ có gây mê phải thực hiện tại các khoa phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh viện uy tín như Việt Đức, Xanh Pôn, 108... Đây là nơi có đủ giấy phép và các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn, như: phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24h, chăm sóc hậu phẫu...
Nói rõ hơn về loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch phụ trách Pháp chế Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM, cho biết riêng về phẫu thuật thẩm mỹ có 3 loại hình:
- Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ thì chỉ được làm một số phẫu thuật gây tê tại chỗ có quy định trong giấy phép hành nghề như: cắt mí mắt, nâng mũi… Những cơ sở này không được làm các phẫu thuật gây mê hoặc thực hiện phẫu thuật lớn như hút mỡ, nâng ngực làm bằng gây tê...
- Loại hình tiếp theo là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ với 2 mức độ là bệnh viện và bệnh viện ban ngày, chỉ thực hiện các loại phẫu thuật gây tê hoặc gây mê trong danh mục đăng ký theo thẩm quyền cấp phép. Trong đó, bệnh viện thẩm mỹ cho phép bệnh nhân được nằm lưu lại ban đêm, được thực hiện các phẫu thuật lớn, có gây mê. Riêng với các bệnh viện ban ngày, bệnh nhân không được nằm lưu lại ngoài giờ. Mô hình bệnh viện ban ngày được Bộ Y tế cho thí điểm ở một số địa phương khoảng vài năm nay.
- Loại hình thứ ba là các khoa phẫu thuật thẩm mỹ trong các bệnh viện đa khoa, được phép làm tất cả phẫu thuật có quy định trong giấy phép hành nghề.
Bác sĩ Cao Ngọc Bích khuyến cáo, để tránh nguy cơ rủi ro khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, mọi người phải tìm hiểu thông tin, tham khảo ý kiến của người có hiểu biết, xem xét kỹ bảng hiệu, quảng cáo của cơ sở thẩm mỹ. Thông thường, bảng hiệu phẫu thuật thẩm mỹ phải có tên tuổi, giấy phép đăng ký kinh doanh, số giấy phép, phải có chữ “TM”…
Bên cạnh đó, cần kiểm tra thông tin về bác sĩ trên các website, phương tiện thông tin đại chúng, trang web của các hội thẩm mỹ… Xem xét về trình độ chuyên môn, tay nghề, giấy phép hành nghề của bác sĩ. Thực tế, chứng chỉ chuyên môn và giấy phép hành nghề khác nhau. Không phải bác sĩ nào có chuyên môn cũng được phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện ở TP HCM chỉ có khoảng 70 bác sĩ có giấy phép hành nghề.
Ngoài ra, cần cẩn thận xem xét cơ sở y tế mà bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Có thể bác sĩ phẫu thuật giỏi nhưng nếu làm ở nơi không đủ trang thiết bị, không đủ điều kiện vô trùng, đội ngũ cấp cứu không hỗ trợ kịp thời nếu có tai biến… thì sẽ không đảm bảo an toàn.
Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cũng cho rằng người dân khi lựa chọn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ cần tìm nơi đã được cấp phép, hành nghề đúng như phạm vi được cấp phép, có thể để ý trên biển đề ghi rõ là phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, có tên bác sĩ, số giấy phép, giờ làm việc (vì một số bác sĩ vẫn công tác tại bệnh viện, đăng ký làm ngoài giờ), nếu phát hiện các chi tiết không khớp thì cần cảnh giác. Khi đó có thể gửi đơn thư tố giác hoặc gọi tới đường dây nóng của Sở Y tế để thông báo.
Hiện nay, Hà Nội chỉ có 35 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép, trong đó 2 cơ sở đã ngừng hoạt động. Danh sách 35 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép tại Hà Nội Tại TP HCM, toàn thành phố có 80 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Sở Y tế đang thực hiện việc đưa danh sách tất cả cơ sở thẩm mỹ được cấp phép lên website của Sở. Người dân khi truy cập vào sẽ biết được cơ sở nào có phép, được cấp phép ở danh mục, kỹ thuật nào. Ví dụ, bệnh nhân muốn sửa mũi ở cơ sở A, nên truy cập wesite của Sở xem cơ sở đó có được phép sửa mũi hay không. Nếu cơ sở đó không được cấp phép mà vẫn tiến hành thì báo với Thanh tra để xử lý, chấn chỉnh kịp thời. |
Minh Thùy - Lê Phương