Việt Nam hiện có khoảng 1.300 cơ sở y tế, gồm khoảng 135 bệnh viện hạng I công lập (tuyến trung ương, địa phương) và tư nhân. Năm 2018, Thông tư 46 của Bộ Y tế đưa ra lộ trình đến hết năm 2023 các cơ sở khám chữa bệnh hạng I nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng như các chuyên gia đánh giá thời gian qua quá trình triển khai này rất chậm.
Đến nay mới có 59 bệnh viện (gồm cả công lập và tư nhân) triển khai bệnh án điện tử, trong đó chỉ có vài bệnh viện hạng I, nhiều bệnh viện nhỏ, bệnh viện tư nhân. Mới nhất, hôm 23/11, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bệnh viện công đầu tiên ở TP HCM triển khai bệnh án điện tử. Theo đó, bệnh viện bắt đầu không sử dụng bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho việc in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho in giấy.
Trong số viện dùng bệnh án điện tử, khoảng một nửa là cơ sở tuyến huyện. Phú Thọ và Quảng Ninh là hai địa phương có nhiều viện ứng dụng nhất. Hà Nội có hơn 40 bệnh viện công lập trực thuộc nhưng mới 4 nơi triển khai bệnh án điện tử, gồm hai bệnh viện hạng I là Xanh Pôn và Phụ sản, hai bệnh viện hạng II là Mỹ Đức và Vân Đình. Rất ít bệnh viện hạng I dùng bệnh án điện tử, còn bệnh viện hạng đặc biệt thì chưa nơi nào thực hiện chuyển đổi.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế tăng chậm trong 5 năm qua. Chỉ 3% cơ sở y tế áp dụng phần mềm quản lý bệnh án và bỏ bệnh án giấy. Gần 50% bệnh viện triển khai đặt lịch khám bệnh trực tuyến.
Nguyên nhân chậm trễ, theo PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, có ba điểm nghẽn. Trong đó, lãnh đạo cơ sở y tế chưa quan tâm đến chuyển đổi số y tế. Một số bệnh viện chú trọng phát triển chất lượng, kinh tế, chưa sâu sát ứng dụng công nghệ.
Ngoài ra, cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế tài chính liên quan chuyển đổi số chưa có, chi phí công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá viện phí. Hiện kinh phí dành cho công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh đều dựa vào ngân sách Nhà nước cấp, các chương trình dự án, hoặc dựa vào bố trí của từng cơ sở y tế, không có hạng mục riêng. Kỹ thuật cũng là điều khó khăn trong chuyển đổi số y tế. Các bệnh viện lúng túng trong lựa chọn, sử dụng các phần mềm hiện có trên thị trường.
Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Theo đó, dự thảo này đề xuất đến năm 2026, các bệnh viện, viện có giường bệnh từ tuyến tỉnh trở lên phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Đến 2030, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Lê Nga